Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc; trong đó, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,3 tỷ đồng; số vốn 14.151,7 tỷ đồng còn lại, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ 13.642,5 tỷ đồng, kiến nghị không phân bổ 509,2 tỷ đồng còn lại. Quốc hội đã quyết nghị nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Đối với số vốn 13.642,5 tỷ đồng được phép tiếp tục phân bổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 chưa phân bổ đến 30/6/2023 theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4801/BKHĐT-TH ngày 21/6/2023 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án xử lý đối với kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 đến nay chưa phân bổ hết.
Đến ngày 30/6/2023, có thêm 3 cơ quan trung ương và 1 địa phương đã phân bổ hết số vốn còn lại chưa phân bổ, 13/24 bộ, cơ quan trung ương và 19/39 địa phương gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý đối với số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ.
Báo cáo cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới đối với việc tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn của Chương trình để sớm giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.
Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động nắm bắt tiến độ thực hiện; khẩn trương ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng hợp, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại cấp cơ sở.
Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét quy định tại Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của chương trình và đề xuất phương án xử lý số tiền còn lại không sử dụng hết.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đã được giao và thực hiện, giải ngân; đôn đốc tiến độ thực hiện đối với các dự án còn chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, điều chỉnh kịp thời; bảo đảm thời gian báo cáo theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ…