Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Chi nhánh VDB khu vực Cần Thơ cho biết, thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước theo tinh thần Nghị định số 32/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, VDB khu vực Cần Thơ triển khai hoạt động tín dụng của nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng.
Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước tại tỉnh còn hạn chế, trong khi tỉnh Sóc Trăng là tỉnh khó khăn và đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách tín dụng đầu tư. Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua quy hoạch của tỉnh với chủ đề “Tiềm năng và khát vọng”.
Để tỉnh phát triển ngang tầm với quy hoạch, VDB nhận thấy nhu cầu nguồn vốn của địa phương là rất lớn. Vì vậy, thông qua chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước, VDB khu vực Cần Thơ mong muốn đồng hành cùng tỉnh trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Theo đó, chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp. Các dự án đầu tư tổ chức thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới, vùng bãi ngang (không bao gồm dự án nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép).
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ; các dự án cho vay theo Hiệp định của Chính phủ cũng được thụ hưởng chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước.
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp tại Sóc Trăng diện trong đối tượng và đúng lĩnh vực được vay sẽ có mức vay tối đa với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), với mức lãi suất không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác có dự án thuộc danh mục đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những khó khăn trong tiếp cận vốn vay; nhu cầu nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các dự án đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh… Qua đó, các đại biểu đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam cụ thể hóa các chính sách tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo bà Mã Thị Thanh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, số doanh nghiệp lớn khá ít và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang trong đà phục hồi cũng rất cần thiết, việc triển khai chính sách tín dụng của VDB khu vực Cần Thơ tại Sóc Trăng là rất cần thiết, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn cũng là cả vấn đề, rất cần Ngân hàng Phát triển khu vực Cần Thơ, Phòng giao dịch tại Sóc Trăng triển khai cụ thể, có chính sách ưu đãi, thủ tục thông thoáng để các đơn vị doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn này.