Đáng chú ý, tính từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Glei đã xảy ra dịch bệnh khiến gần 200 con trâu, bò bị chết.
Cụ thể, ba thôn của xã Đăk Blô xảy ra dịch bệnh là Đăk Book, Pêng Lang và Bung Tôn với trung bình mỗi ngày tại 3 thôn có 3 con trâu, bò bị chết. Theo ông A Mon, nguyên nhân trâu, bò bị chết được ngành nông nghiệp huyện xác định do bệnh tụ huyết trùng. Trước tình trạng trâu bò bị bệnh chết nhiều, chính quyền xã đã vận động người dân đưa số gia súc thả rông về nuôi nhốt, tiêm thuốc phòng bệnh song hiện tượng trâu, bò bị chết vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước đó, từ tháng 4/2021, tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cũng đã xảy ra tình trạng trâu, bò chết. Ông A Nhập, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết, đến nay số lượng trâu, bò chết nghi do bị bệnh tụ huyết trùng trên địa bàn xã đã lên tới trên 100 con. Hiện, các cơ quan chức năng huyện Đăk Glei đang phối hợp với chính quyền hai xã có dịch tiến hành khoanh vùng, dập dịch. Ở một số điểm, việc khoanh vùng đã giúp dịch bệnh không lây lan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, tình trạng bệnh đang tiếp diễn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tại tỉnh Kon Tum, dịch bệnh trên đàn gia súc đang có những diễn biến phức tạp. Cùng với ổ dịch khiến gần 200 trâu, bò chết tại 2 xã biên giới Đăk Nhoong và Đăk Plô của huyện Đăk Glei, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò xuất hiện tại 3 huyện Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai. Ngoài ra, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi cũng rất lớn, khi thời tiết tại đây bắt đầu chuyển sang mùa mưa.