Khi Nhật Bản tìm cách đa dạng hóa môi trường đầu tư ngoài Trung Quốc, Việt Nam nổi lên là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.Đó là nhận xét của chuyên gia phân tích Kensuke Yanagida tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo. Trong bài bình luận được đăng tải trên trang mạng Diễn đàn Đông Á mới đây với tiêu đề “Looking for a plus-one, Japan turns to Việt Nam” (tạm dịch: Tránh phụ thuộc vào một thị trường, Nhật Bản quay sang Việt Nam), ông Yanagida đã đưa ra một số nhận định sau.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Nhật Abe trong một cuộc gặp mới đây tại Tokyo. |
Trong vòng vài năm trở lại đây, các công ty đã làm ăn ở Trung Quốc bắt đầu đa dạng hóa môi trường đầu tư của mình và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong những gì được gọi là “Chiến lược ngoài thị trường Trung Quốc”. Đây là kết quả của việc chi phí lao động ngày càng tăng cũng như những cải cách mang tính cấu trúc đang diễn ra ở Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như là một điểm đến đầy tiềm năng đối với các công ty nước ngoài vốn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới của họ, nhờ vào lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt, thị trường nội địa lớn và những lợi thế về mặt địa lý. Nếu tận dụng được những lợi thế này, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp mới cũng như có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
Trong những năm gần đây, các công ty Nhật Bản đã tích cực hơn trong việc theo đuổi “Chiến lược ngoài thị trường Trung Quốc”. Trong khi dòng vốn FDI của Nhật Bản chảy vào Trung Quốc giảm vào năm 2013, thì các nguồn vốn đổ vào ASEAN đã tăng lên trong suốt 1 thập kỷ qua (hiện nay, dòng vốn FDI của Nhật Bản chảy vào các nước ASEAN đã lớn hơn so với nguồn vốn đầu tư vào Trung Quốc).
Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện năm 2013, lần đầu tiên, Trung Quốc đã mất vị trí đứng đầu như là một điểm đến đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Điểm đến hàng đầu hiện nay đối với các công ty Nhật đó là Indonesia, tiếp theo là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Điều này không có nghĩa là các công ty Nhật sẽ rút khỏi Trung Quốc: Họ đơn giản chỉ tìm những điểm đến đầu tư mới trong khi vẫn tiếp tục khai thác những cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc.
Việt Nam là một trong số những điểm đến ngày càng được ưa chuộng đối với các công ty Nhật. Tỷ lệ đầu tư của Nhật ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt kể từ khi Hiệp ước Đối tác Kinh tế Việt-Nhật có hiệu lực vào năm 2009. Các ngành công nghiệp mà Nhật đầu tư nhiều nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và thiết bị điện cho lĩnh vực chế tạo máy. Việt Nam là một trong 4 thị trường xe máy lớn nhất thế giới, vì thế các công ty của Nhật như Honda hay Yamaha cùng với những nhà cung cấp các bộ phận và thành phần khác đang tăng cường đầu tư tại đây.
Những công ty điện tử của Nhật cũng đã nâng số vốn đâu tư của họ, một phần là do Samsung đã xây dựng một nhà máy điện thoại di động để sản xuất hàng loạt điện thoại thông minh Galaxy. Panasonic đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh về các thiết bị điện gia đình và đã coi Việt Nam là một thị trường quan trọng trong số các quốc gia mới nổi. Đối với các lĩnh vực phi sản xuất như công nghiệp tài chính và bảo hiểm, nguồn vốn đầu tư cũng đã gia tăng đáng kể.
Lắp ráp máy in tại Công ty Canon Việt Nam- một doanh nghiệp đầu tư từ Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. |
Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản (SME) đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài có thể sẽ nhận ra sự hợp tác “hai bên cùng có lợi” ở Việt Nam. Hiện SME Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường kinh doanh nội địa: Thị trường trong nước bị thu hẹp do dân số già; các công ty lớn hơn mà có hợp đồng kinh doanh với các SME cũng đang chuyển hướng ra nước ngoài, trong khi tính cạnh tranh với các công ty nước ngoài mới nổi ngày càng tăng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường đầu tư ra nước ngoài để tồn tại.
Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy các biện pháp để thích ứng với những doanh nghiệp nhỏ đến từ Nhật Bản. Các SME của Nhật Bản cũng đã thực sự hướng đến Việt Nam. Một ví dụ điển hình là Tổ hợp Công nghiệp Hỗ trợ Kansai của Nhật Bản đã được xây dựng ở khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Đồng Nai vào năm 2013. Tổ hợp này được thành lập để hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc thành lập các chi nhánh nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ khu vực Kansai ở phía Tây Nhật Bản. Sự đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giúp cho các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển và ngược lại, các doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ có điều kiện hợp tác và tiếp cận thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, cả Việt Nam và Nhật Bản đang tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi kết thúc, TPP sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng nó cũng dẫn đến những thay đổi về cơ cấu công nghiệp và kinh tế trong nước. Đây sẽ là một thách thức, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh này, Việt Nam và Nhật Bản sẽ là đối tác quan trọng của nhau. Cả hai nước sẽ cùng hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn.
Công Thuận