Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm 2 nội dung: Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải. Các nội dung này của Luật Bảo vệ môi trường đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: Săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Theo lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025. Nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ… cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, mặc dù đã tổng hợp và công khai trả lời các câu hỏi, thắc mắc liên quan nhưng vẫn còn nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chưa biết hoặc chưa nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong thực hiện quy định pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra đối với những doanh nghiệp này.
Nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp đối với EPR, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan; đồng thời đề nghị các hiệp hội phát huy vai trò của mình, tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, việc áp dụng EPR theo mô hình bắt buộc là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Để chuyển từ EPR tự nguyện sang EPR bắt buộc, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc; quy định phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, áp dụng triệt để các nguyên tắc thị trường; quy định việc tổ chức thực hiện bảo đảm sự đồng thuận theo cơ chế ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, môi trường.
Theo một khảo sát do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, số doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 là 93,55%. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng, thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của doanh nghiệp.
Theo Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP), doanh nghiệp là động lực và là hạt nhân của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, do đó, có liên quan đến rác thải nhựa phát sinh trên toàn cầu. Các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên môn để phát triển các công nghệ mới, vật liệu thay thế có thể làm giảm việc sử dụng nhựa hoặc làm cho nhựa bền vững hơn với môi trường.
Bà Tove Andersen, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của TOMRA-doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thu gom tái chế chất thải, cho rằng, doanh nghiệp cần trở thành một phần của giải pháp và đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp cần có kinh nghiệm về phân loại, thu gom rác thải và tạo ra chuỗi giá trị phù hợp nhất cho vòng đời của nhựa tại các quốc gia. Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp đưa ra các đề xuất và giải pháp cùng thúc đẩy thực hiện EPR.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đều đã ý thức được việc giảm sử dụng nhựa và tiến tới cấm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Đồng thời, đã có sự chuẩn bị cho thời điểm quy định về EPR có hiệu lực từ năm 2024 trở đi. Doanh nghiệp sản xuất đã nghiên cứu cho ra sản phẩm nhựa mỏng hơn nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Một số tổ chức, đơn vị đã đứng ra sắp xếp lại hoạt động thu gom, tái chế của khu vực phi chính thức (đồng nát, ve chai). Các doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang nghiên cứu loại nhựa sinh học sản xuất từ phế, phụ phẩm nông nghiệp như lá dứa, vỏ trấu, bã mía, vỏ chuối... Bà Huỳnh Thị Mỹ cho rằng, cơ quan quản lý cần có những cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp tái chế có đầu ra cho sản phẩm. Nguồn thu từ EPR có thể được dùng để thiết lập các cơ sở tái chế tại các địa phương, khu vực chưa mạnh về tái chế. EPR yêu cầu doanh nghiệp tái chế phải đổi mới mạnh mẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất nhựa lớn hoàn toàn có đủ tiềm lực để đầu tư dây chuyền nhựa tái chế, nhưng quy định pháp luật hiện nay còn rườm rà và chưa tạo động lực để họ tham gia vào lĩnh vực này.
Bà Mette Monglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện đã có yêu cầu chính sách nhất định về EPR nhưng vẫn cần phải đặt mục tiêu giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa cao hơn nữa để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Na Uy sẽ hỗ trợ Việt Nam rà soát các yêu cầu, quy định của EPR, cùng với huy động sự tham gia của khối phi chính thức (đồng nát, ve chai) trong mục tiêu giảm mức phát thải nhựa khoảng 20% vào năm 2030.
Với quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, EPR đã được áp dụng một cách đầy đủ với ý nghĩa là một cơ chế bắt buộc thực hiện tại Việt Nam. Việc tuân thủ sớm và đầy đủ các quy định về EPR vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong việc chủ động chuyển đổi xanh, giải quyết các vấn đề lao động và việc làm, vừa góp phần giúp Việt Nam đạt được một cách sớm nhất cả mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường.