Theo đó, Trà Vinh đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư, tăng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản… Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, tỉnh hỗ trợ người dân cải tạo vườn cây ăn quả, vườn dừa tập trung; chuyển đổi vườn tạp, đất trồng mía; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả; hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)…
Tỉnh vận động nông dân tham gia hợp tác xã để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích các địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh công nghệ tưới tiết kiệm nước, phù hợp tình hình biến đổi khí hậu.
Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ giúp nông dân. Các đơn vị tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tạo điều kiện để nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác tham gia các hội chợ, hội thi, triển lãm nông nghiệp. Thời gian tới, ngành chức năng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2022, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 1.338 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác.
Cụ thể, đối với tiểu vùng ngọt như huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, một phần phía Bắc huyện Châu Thành, Trà Cú, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, cây dừa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, chất lượng cao.
Với tiểu vùng ngọt hóa như huyện Cầu Ngang, Trà Cú, một phần diện tích các huyện Duyên Hải, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, người dân chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc nuôi thủy sản.
Gia đình ông Kiên Thỏ tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành chuyển đổi 2.000 m2 đất trồng lúa sang trồng hẹ từ năm 2016. Gia đình được được địa phương tranh thủ nguồn tài trợ từ Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) với 12 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới phun sương, tưới tiết kiệm nước. Nhờ vậy, gia đình giảm được một phần chi phí tưới tiêu, năng suất ruộng hẹ đạt khá cao.
Mỗi năm, trồng hẹ cho thu hoạch 7 vụ, bình quân 1 tấn/vụ/1.000 m2. Với giá bán dao động từ 7.000-13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất gồm cây giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên 11 triệu đồng, ông Kiên Thỏ thu lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/1.000 m2/năm. Ngoài ra, ông còn có nguồn thu nhập khoảng 15 triệu đồng/công từ việc bán hẹ giống vào vụ cuối trong năm. Như vậy, bình quân 1.000 m2 trồng hẹ, gia đình ông đạt lợi nhuận từ 65 - 85 triệu đồng/1.000 m2/năm, tăng rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất.
Ông Nguyễn Mạnh Thái, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua, hầu hết người dân địa phương chuyển đổi cây trồng đều đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, địa phương vẫn còn nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả nhưng người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi, bởi e ngại về thị trường đầu ra nông sản bấp bênh. Cùng với đó, việc chuyển đổi đòi hỏi nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, nuôi cây con mới.
Gia đình ông Huỳnh Văn Cảnh, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh từ năm 2015. Ông Cảnh chia sẻ, bưởi trồng sau 2 năm cho trái bói, sau 3-4 năm cho thu hoạch thường xuyên, từ 150-200 kg/1.000 m2/tháng. Những năm trước, giá bưởi thường dao động ở mức 25.000- 35.000 đồng/kg, riêng dịp Tết Nguyên đán là 60.000 đồng/kg nên gia đình ông có thu nhập khá ổn định, với lợi nhuận khoảng 100-150 triệu đồng/năm.
Năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá bưởi giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg. Tuy giá thấp nhưng thu nhập vẫn đảm bảo cao nhiều lần so với trồng lúa trước đó. Dù vậy, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi 2 công đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, với chi phí đào ao lên liếp và mua cây giống lên đến 150 triệu đồng.
Theo ông Trần Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần có dừa là cây trồng chủ lực, song điều kiện thổ nhưỡng tại đây cung rất thích hợp trồng bưởi da xanh, cho năng suất và chất lượng đạt cao. Những năm gần đây, xã Hùng Hòa đã chuyển đổi trên 70 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.
Nhằm giúp quả bưởi da xanh có thị trường tiêu thụ ổn định và nông dân được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong quá trình chuyển đổi sản xuất, chính quyền địa phương tích vực vận động nhà vườn tham gia hợp tác xã. Hiện trên địa bàn xã có Hợp tác xã Bưởi da xanh Hùng Hòa thành lập năm 2019, có 60 thành viên trồng bưởi da xanh trên 35 ha; trong đó, 27,6 ha được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP.
Hợp tác xã được tiếp cận các chính sách như, hỗ trợ thành lập mới, cấp đất và hỗ trợ trên 500 triệu đồng để xây dựng trụ sở, kho, bãi… Đồng thời, được Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ thành viên tổng số tiền gần 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất. Mới đây, hợp tác xã này được Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh của hợp tác xã.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho thấy, năm qua, 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chuyển đổi 2.335 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản; trong đó, trồng ngô, màu thực phẩm và trồng cỏ nuôi bò hơn 1.287 ha, trồng cây ăn trái trên 671 ha, trồng dừa gần 310 ha, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản 25 ha và chuyên nuôi thủy sản hơn 21 ha. Như vậy, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi được gần 22.000 ha trồng lúa kém hiệu quả.