Đồng thời, làm việc với sở ngành liên quan trên địa bàn và ngành công thương nhiều tỉnh, thành có hàng hóa cung ứng về thị trường thành phố để tổ chức hoạt động thương mại phù hợp với tình hình mới.
Công bố điểm bán thực phẩm
Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách điểm bán mặt hàng thiết yếu, gồm: lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay... của những hệ thống phân phối và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Hiện tại, 2.833 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố sẽ duy trì hoạt động xuyên suốt, nếu không liên quan đến ca nhiễm dịch COVID-19.
Danh sách điểm bán này, được phân bố đều trên địa bàn thành phố Thủ Đức và quận, huyện, với mô hình đa dạng như: chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, ngành công thương TP Hồ Chí Minh cũng khẩn trương hỗ trợ đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh kênh bán hàng online, qua điện thoại, ứng dụng công nghệ gọi xe đi chợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm này, thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất, gồm: Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức và nhiều chợ truyền thống, điểm bán lẻ để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì ổn định, với nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng những đơn vị chủ lực như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng; MM Mega Market tăng dự trữ lên 60.000 tấn/tháng và một số mặt hàng có thể lên 90.000 tấn/tháng...
Còn đối với mạng lưới chợ truyền thống, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh yêu cầu thương nhân, tiểu thương tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm tổ chức nhập về thành phố từ 4.000-5.000 tấn rau củ, quả, thực phẩm tươi sống... Song song đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và đúng giá cho người dân.
TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy tối đa năng lực cung ứng của cả kênh bán lẻ hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống, cũng như năng lực dữ trữ hàng hóa của nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, dẫn đến không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và hãy cùng đồng hành trách nhiệm với chính quyền, sở ngành thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Không để ngắt khâu vận chuyển
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố đã kiến nghị các tỉnh, thành tháo gỡ khó khăn với quy định yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 khi vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh. Về phía TP Hồ Chí Minh, sẽ luôn tạo điều kiện hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm nhập về địa bàn hoặc đi qua thành phố.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh và các địa phương sẽ phối hợp đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 và giải quyết một số thách thức trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa như có quy định chi tiết và hướng dẫn về yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính COVID-19. Trong việc điều tiết hàng hóa thông suốt nhập vào TP Hồ Chí Minh và phân phối đến điểm bán lẻ, thành phố sẽ bố trí 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, thành phố Thủ Đức và quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa từ tỉnh, thành vận chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành về công tác phòng chống dịch COVID-19.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có công văn gửi các sở, ngành và UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện về tăng cường đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; trong đó, thành phố yêu cầu thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và điều phối thông tin cung ứng hàng hóa từ các chợ đầu mối để tiểu thương chợ bán lẻ thuận tiện giao dịch.
Theo đại diện MM Mega Market, nhà bán lẻ này sẽ có kế hoạch tiến hành thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương với mức giá hợp lý thông qua thiết lập đường dây nóng. Hiện tại, nguồn cung những nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhất là rau củ, quả, thủy hải sản... của MM Mega Market chủ yếu từ khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng Nai và Cần Thơ.
Theo đó, nguồn cung từ khu vực Đà Lạt và Cần Thơ vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường. Riêng khu vực tỉnh Đồng Nai gặp một số khó khăn do tỉnh này yêu cầu những biện pháp mới trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Mặt khác, đối với nhóm ngành hàng thủy hải sản, MM Mega Market cũng khẩn trương làm việc với nhà cung cấp để chủ động đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tính đến thời điểm này, hầu như hết nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng từ khâu chuẩn bị nguồn cung, tổ chức phương thức kinh doanh... để phục vụ thị trường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Điển hình, điểm bán của Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market... đã thông báo đến khách hàng tăng giờ mở cửa hoạt động.
Satramart siêu thị Sài Gòn và siêu thị Phạm Hùng mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Riêng Satramart siêu thị Củ Chi và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods hoạt động từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Những điểm bán của Saigon Co.op có thể mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày. Còn MM Mega Market có thể mở cửa từ 6 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày và sẽ mở cửa 24/24 nếu đủ nguồn nhân lực...