Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và giáo dục vào chiều 22/4.
Dịch bệnh tác động mạnh nhất đến nền kinh tế vào quý 2
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Có 52/54 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh. Đáng chú ý, trong 22 ngày thành phố thực hiện cách ly xã hội, có 19 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới. “Đây là tiền đề quan trọng giúp TP Hồ Chí Minh công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn”, ông Nguyễn Thành Phong nhận định.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, đối với công tác dự phòng, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục kiên định 6 nguyên tắc chống dịch và 5 phương châm tại chỗ. Đảm bảo cảnh giác cao, không chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, giám sát đồng bộ ở các khu vực có nguy cơ. Đặc biệt, lưu ý đến các khu vực như lưu trú công nhân, nhà trọ, nhóm người nước ngoài còn đang lưu trú tại thành phố; các cơ sở chăm sóc bảo trợ xã hội; tăng cường các biện pháp phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, giám sát phát hiện các trường hợp mới tại các cơ sở y tế, khoanh vùng và xử lý triệt để; tái sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Ngoài ra, Thành phố cũng tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng và chống dịch, từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn, chế độ chính sách. “Thành phố cho rằng đây là mặt trận quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong an ninh y tế và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho rằng, dù thành phố đã đạt được những thành quả tích cực trong công tác chống dịch nhưng cũng phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng trong quý I chưa phản ánh hết khó khăn trong bức tranh tình hình kinh tế, bởi gần như nửa quý I nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.
“Nhu cầu lớn của thành phố bắt đầu bị suy giảm vào tháng 4 khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn. Dịch bệnh sẽ tác động mạnh nhất đến nền kinh tế thành phố vào quý II”, ông Nguyễn Thành Phong dự báo.
Xây dựng nhiều chính sách vực dậy nền kinh tế
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế của cả nước, vì vậy thành phố sẽ bị tác động không ngừng nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn trên thế giới. Để đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định và không bị ngừng trệ trong tình hình phát triển mới, TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các chính sách vực dậy nền kinh tế khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn ngày càng khả quan, từng bước nới lỏng quy định nhưng phải kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, để giảm tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro doanh nghiệp đã triển khai vào ngày 6/4 vừa qua, thành phố tiếp tục xây dựng thêm 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện phát triển bình thường mới. Cụ thể, bộ chỉ số an toàn trong trường học, bộ chỉ số an toàn trong ngành văn hóa thể thao, bộ chỉ số an toàn giao thông vận tải, bộ chỉ số an toàn trong ngành du lịch, bộ chỉ số an toàn trong công thương, an toàn vệ sinh thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong các khu vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ ban hành trước ngày 30/4, trong đó quy định trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp thực hiện.
“Cách làm của Thành phố sẽ hết sức thận trọng, tham vấn nhiều chiều, đặc biệt sẽ tổ chức thí điểm, sau đó mới triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định nhưng cũng đảm bảo được mục tiêu phòng chống dịch đề ra”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cùng với đó, ngoài chính sách chung của Chính phủ, Thành phố cũng đang xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù để tiếp tục đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo đó, thành phố có các gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn; gói hỗ trợ cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo hàng hóa các dịch vụ thiết yếu; gói kinh tế giảm thiệt hại khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp và chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh; gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.
“TP Hồ Chí Minh cho rằng, những cơ chế chính sách chậm ngày nào, người dân và doanh nghiệp càng khó khăn ngày đó. Chính vì vậy, với tinh thần kiên định thần tốc như thời chiến, Thành phố có thể triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 23/4. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh sẽ có điều chỉnh phù hợp. Đồng thời kiến nghị sớm tổ chức hội nghị toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.