Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố, hiện có hơn 230.000/320.000 công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã trở lại làm việc, đạt khoảng 70%. Để đảm bảo sản xuất an toàn, an toàn đến đâu sản xuất đến đó, từ ngày 1/10 đến nay, các nhà máy, xí nghiệp chưa tăng hết công suất hoạt động. Tuy không sử dụng hết lực lượng lao động hiện có nhưng nhiều doanh nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới.
Ông Phạm Thanh Trực cho biết thêm: Khi dịch bệnh bùng phát, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở đâu, ở yên đó”, phần lớn các doanh nghiệp đều duy trì một phần lương chăm lo cho công nhân; đồng thời sớm công bố kế hoạch sản xuất khi TP Hồ Chí Minh dần nới lỏng giãn cách nên đều giữ chân được công nhân lao động. Hơn nữa, trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khoảng 750 nhà máy sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" với gần 71.000 lao động. Do vậy, các công ty, nhà máy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao không bị ảnh hưởng nhiều trước tình trạng lao động hồi hương, thiếu hụt lao động nhiều…
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố, trước thời điểm dịch bùng phát, thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với hơn 320.000 người làm việc trong gần 1.500 nhà máy. Từ ngày 15/7 đến trước ngày 30/9, theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố, doanh nghiệp nếu không đảm bảo phòng dịch COVID-19 phải dừng hoạt động nên đã có hơn 820 nhà máy, xí nghiệp tại khu vực này ngưng sản xuất, khiến hơn 244.000 công nhân phải tạm ngừng việc.