Theo báo cáo của Sở GTVT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), đến nay đã có tổng cộng 335ha/410ha đất cần thu hồi phục vụ thi công Dự án Vành đai 3 và đã được 4 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư (đạt tỷ lệ 81,5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào ngày 15/6/2023).
Đặc biệt, có những địa phương có tỷ lệ thu hồi - bàn giao đất rất cao, vượt chỉ tiêu đặt ra như huyện Hóc Môn (93%), huyện Bình Chánh (86%). Bên cạnh yêu cầu về mặt bằng đã được đảm bảo, công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cũng đang được triển khai đúng theo tiến độ, đảm bảo sẽ triển khai đồng loạt công tác thi công trên 4 địa phương trong tháng 6/2023, hướng tới mục tiêu thông xe toàn tuyến Vành đai 3 vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026 như Nghị quyết đã đề ra.
Theo ông Lương Minh Phúc, việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) và đảm bảo khởi công dự án xây dựng đường Vành đai 3 - đoạn qua TP Hồ Chí Minh đúng tiến độ đề ra sau 1 năm (tính từ ngày 16/6/2022 là ngày Quốc Hội có Nghị Quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đến ngày 18/6/2023 khởi công dự án) là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành phố và cả hệ thống chính trị 4 địa phương. Đặc biệt là sự đồng thuận, đồng hành của người dân trong vùng triển khai dự án… nhờ đó đạt tỷ lệ 100% công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
Toàn tuyến Vành đai 3 đi qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026. Ngoài kết nối giao thông 4 tỉnh, thành, tuyến Vành đai 3 còn tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.