Theo đó, có 3 cảng biển và 1 kho hàng được thực hiện hệ thống tự động hóa quản lý, giám sát như: Cảng Lotus (Chi cục Hải quan cảng sài Gòn khu vực 3); cảng SP-ITC (Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1), Cảng ICD Phước Long (Chi cục hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4), Kho hàng SCSC (Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ thực hiện giám sát hàng hóa tự động từ ngày 1/1/2018. |
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, cho biết Hải quan TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên tại phía Nam được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chọn thí điểm thực hiện Đề án này. Việc thực hiện án sẽ tạo ra bước đột phá mới trong công tác quản lý hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không với các cơ quan khác có liên quan.
Đồng thời, việc thực hiện đề án cũng giúp rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; tăng cường công tác quản lý của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia…
Trước đây, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình thông quan điện tử VNACCS/VSIP mang lại thuận lợi cho thông quan hàng hóa. Tuy nhiên trong khâu kiểm tra, giám sát hàng vẫn chưa được tự động hóa, doanh nghiệp vẫn phải tiếp xúc với cán bộ hải quan để thực hiện quá trình này. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giám sát tự động. Tất cả hàng hóa nhập khẩu từ khi phương tiện được vận chuyển và bốc dỡ xuống cảng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ bằng hệ thống tự động; đồng thời, hàng hóa xuất khẩu cũng được quản lý bằng phương pháp này.