Hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 7 địa phương và 25 địa phương xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM), do đó nguy cơ thịt chưa qua kiểm dịch từ các tỉnh về thành phố là rất lớn vì thành phố là nơi tiếp nhận động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh về tiêu thụ.
Gia súc, gia cầm ồ ạt về phố
Theo Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2011 đến nay, Chi cục thú y thành phố đã phát hiện 128 trường hợp vi phạm trong việc vận chuyển gia súc, gia cầm. Các trường hợp này được phát hiện tại các Trạm kiểm dịch động vật (KDĐV) đầu mối giao thông trên địa bàn thành phố, với tang vật bị xử lý tiêu hủy gồm: 10 con heo sống, 12 con heo sữa sống, 622 kg thịt heo, 434 kg phụ phẩm heo, 40 con gia cầm tươi, 147 con gia cầm sống.
Người kinh doanh đưa gia súc, gia cầm sống từ các tỉnh vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, không chỉ tuyến quốc lộ mà bằng cả các phương tiện không chuyên dụng như xe khách, xe máy..., nhằm né tránh sự kiểm tra, không khai báo kiểm dịch, vào kinh doanh trái phép tại các quận, huyện.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc kinh doanh, giết mổ gia súc và gia cầm vẫn được sự quản lý chặt chẽ của lực lượng thú y từng địa bàn; tuy nhiên, hiện việc buôn bán và giết mổ gia súc, gia cầm trái phép đang có chiều hướng gia tăng và các hình thức thực hiện của những đối tượng này linh hoạt hơn, đề phòng hơn.
Lực lượng thú y thành phố liên tục phát hiện số lượng lớn heo bệnh vào thành phố. |
Ông Thảo còn nhìn nhận: Mặc dù việc kiểm soát buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép vẫn được duy trì tại các địa phương, nhưng đã xuất hiện tâm lý chủ quan cho rằng dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trước đó nên nhiều địa phương đang buông lỏng trong công tác quản lý. Đồng thời, sự phối hợp của các lực lượng trong các đoàn liên ngành tại quận, huyện hay của thành phố chưa đầy đủ, một số ban, ngành địa phương chưa nhiệt tình quan tâm, việc kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, triệt để và thiếu kiên quyết; đồng thời ý thức người dân chưa cao trong việc sử dụng nguồn sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, giá rẻ.
Thận trọng với thịt không nguồn gốc
Trước tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đang có chiều hướng gia tăng, ông Phan Xuân Thảo cho biết: Chi cục thú y thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra, rà soát và siết chặt hơn nữa việc quản lý các nguồn gia súc, gia cầm đặc biệt là ở các cửa ngõ vào thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã cấm nguồn heo từ vùng dịch vận chuyển về thành phố tiêu thụ.
Ông Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm phòng chống và kiểm dịch thú y, Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Do bệnh LMLM có thời gian ủ bệnh lâu dài nên xuất hiện tình trạng một số hộ dân nuôi heo ở khu vực có dịch bán tháo. Đa số các loại thịt này đều được bán tại các khu vực chợ tạm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… Vì vậy, người dân phải thận trọng với các loại thịt không có dấu kiểm dịch, không nguồn gốc hoặc được bày bán ở những khu vực chợ tạm.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc người dân sử dụng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch là nguy cơ rất cao trong việc phát tán các mầm bệnh như cúm A/H5N1, A/H1N1, bệnh viêm cầu khuẩn… Vừa qua, trong cộng đồng vẫn có rải rác những ca cúm A/H1N1 và đã có trường hợp tử vong do nhiễm loại cúm này.
Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện Sở Y tế thành phố đang tăng cường ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện trên toàn thành phố khi tiếp cận với ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 thì phải báo ngay cho Sở để từ đó có các biện pháp điều tra, xử lý kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Bác sỹ Thọ cũng khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với cúm A/H1N1, khi có dấu hiệu của các triệu chứng về cúm, dù cúm mùa, người dân cũng nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, đồng thời nên ăn chín, uống sôi để đảm bảo sức khỏe.
Đan Phương