TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 197 dự án trong năm 2022

UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đề xuất. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi thu hút đầu tư vào 197 dự án với tổng vốn đầu tư là 943.937 tỷ đồng (tương đương gần 43 tỷ USD).

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án giao thông, nhà ở, môi trường... để thúc đẩy kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh phát triển hơn. 

Các dự án kêu gọi thu hút đầu tư gồm các hạ tầng giao thông như: Dự án trục cao tốc và các tuyến quốc lộ kết nối khu vực lân cận của cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài; dự án đường trục động lực quốc lộ 50; đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ Vành đai 3 đến ranh Long An); dự án tuyến đường trên cao số 1, số 5; dự án đường sắt đô thị gồm 12 dự án thành phần: tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 2) đoạn Bến Thành-Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương-bến xe Tây Ninh...

Ở lĩnh vực môi trường, xử lý rác, xử lý nước và giảm ngập nước, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi đầu tư vào các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Đối với dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư có nhiều dự án quy mô lớn như khu đô thị Hiệp Phước, khu đô thị Đại học Hưng Long… Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh  cũng kêu gọi đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao, du lịch…

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) cho biết: "Để thu hút các nhà đầu tư, mấu chốt hiện nay là cần đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực. Bởi khi đầu tư, chúng tôi quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới. Điều đó có nghĩa là, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản các quy định, nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, ổn định và nhất quán trong các quy hoạch tổng thể; đảm bảo việc gia hạn giấy phép đầu tư và phê duyệt mở rộng đầu tư diễn ra thuận lợi, có thể giữ chân và thu hút đầu tư trong môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh".

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố luôn chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư. Vì vậy, sắp tới TP Hồ Chí Minh cần phải hành động nhiều hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số để tạo môi trường đầu tư minh bạch hơn. Ngoài ra, từ tháng 6/2022, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai nền tảng số để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có điều kiện gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hơn và kịp thời giải quyết những vướng mắc khó khăn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"TP Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị, quan tâm hình thành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển đô thị của vùng. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm triển khai dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – TP Cần Thơ để kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Những việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị cũng như trong chỉnh trang đô thị TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm. 

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bổ sung cơ chế đặc thù quản lý đầu tư cụm công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng
Bổ sung cơ chế đặc thù quản lý đầu tư cụm công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng

Ngày 20/6, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN