Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Công trình thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, thực hiện từ 2022 đến 2027. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án này tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
TP Hồ Chí Minh dự tính việc chuẩn bị đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2024 và sẽ chuyển mục đích sử dụng 17 ha rừng tràm ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) để thực hiện tuyến đường. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026. Trong tổng vốn đề xuất, Thành phố dự kiến bố trí gần 19.500 tỷ đồng ở giai đoạn 2021-2025, hơn 4.500 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Chia sẻ về khả năng cân đối vốn từng giai đoạn của dự án này, bà Phan Thị Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025 đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ phương án đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ cho các địa phương vay lại. Phần vốn vay lại của địa phương không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua mà trả nợ theo đề án phát hành trái phiếu Chính phủ. Thành phố sẽ bố trí từ ngân sách địa phương cho phần vốn phát sinh tăng thêm (nếu có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án).
Đối với nguồn vốn giai đoạn 2026-2030, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất HĐND tiếp tục bố trí vốn ngân sách cho dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này với số vốn dự kiến 4.562 tỷ đồng (bao gồm phần vốn phát sinh nếu có).
Được biết, dự án đường Vành đai 3 được quy hoạch 11 năm trước, đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng chiều dài gần 92 km. Hiện nay, trên toàn tuyến chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (dài hơn 15 km) đi qua Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (thành phố Thủ Đức) dùng vốn ODA sắp khởi công.