TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho phép các chợ truyền thống hoạt động trở lại

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện có 197/237 chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động, trong đó có ba chợ đầu mối. Như vậy, hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 40 chợ truyền thống đang hoạt động trên địa bàn.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 9 quận, huyện không còn chợ truyền thống nào hoạt động, gồm: Quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Các quận, huyện còn lại như: thành phố Thủ Đức, Quận 5, Bình Tân... vẫn còn chợ truyền thống đang hoạt động để phục nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh còn 40 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đã có chủ trương mở cửa trở lại chợ truyền thống để đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Các chợ chỉ được mở khi đảm bảo phương án an toàn, kiểm soát dịch bệnh; có biện pháp kiểm soát, hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ và đảm bảo 5K. Ngoài ra, khi tổ chức mua bán phải tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán đồng giá các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo, có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn.

Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định. Hiện nay các quận, huyện đã tổ chức mở cửa hoạt động trở lại ba chợ truyền thống bị đóng cửa là chợ Phú Thọ (Quận 11), chợ An Đông (Quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân).

Ngoài ra, các địa phương cũng đang dự kiến mở các điểm bán hàng tươi sống, rau củ, quả tại chợ vào tuần sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được phê duyệt gồm: chợ Kiến Thành (quận Bình Tân ), chợ Xã Tây (Quận 5 ), chợ Phú Định và chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định (Quận 8 ), chợ Nhật Tảo (Quận 10 ), chợ Bà Lát và chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh và chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè).

Chú thích ảnh
Người dân TP Hồ Chí Minh có thói quen đi chợ truyền thống nhiều hơn so với việc mua sắm trong siêu thị. 

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sau khi ngừng hoạt động, một số chợ như chợ Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, Phạm Văn Cội, Tân Phong, Phước Thạnh... đã mở mô hình bán hàng trực tuyến. Ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại, tiểu thương đăng ký với Ban Quản lý thông tin tham gia bán hàng để Ban Quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất.

Ngoài ra, Ban Quản lý chợ còn triển khai thông tin các nội dung liên quan đến tình hình chợ cho tiểu thương nắm, đồng thời phát huy hiệu quả trang Zalo và fanpage của chợ để thông tin cho người dân về việc tiểu thương bán hàng thông qua điện thoại nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đà Nẵng sẽ đưa trên 600 công dân từ TP Hồ Chí Minh trở về trong đợt 1
Đà Nẵng sẽ đưa trên 600 công dân từ TP Hồ Chí Minh trở về trong đợt 1

Ngày 19/7, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 4481/UBND-KGVX về việc phối hợp đưa người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng trong đợt 1 để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại thành phố này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN