Năm 2014, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hoàn thiện các thể chế, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tinh gọn, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kinh doanh.
May xuất khẩu tại Công ty Hansea trong Khu công nghiệp Tây Bắc (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Năng động trong thu hút đầu tư Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong năm 2013, Thành phố thu hút được 477 dự án đầu tư nước ngoài mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,05 tỷ USD, tăng 76,72% tổng vốn đầu tư so với năm 2012. Ngoài ra, có 139 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư thêm là 1,03 tỷ USD. Theo đó, tính cả cấp mới và tăng vốn, Thành phố đã thu hút được khoảng 2,08 tỷ USD, tăng 51,98% so với năm 2012. Tính đến thời điểm này, thành phố có 4.924 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 33,5 tỷ USD. Trong đó có 3.811 dự án với 100% vốn nước ngoài, 1.067 dự án vốn liên doanh và 46 dự án hợp tác kinh doanh. Những quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào thành phố là Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, thương mại, vận tải, xây dựng…
Ông Lư Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết: Các nhóm ngành Thành phố khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư gồm: 9 nhóm ngành dịch vụ; 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Thành phố còn kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, tham gia xây dựng các khu đô thị mới, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng… Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố tập trung phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Năm 2013, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã đón tiếp và cung cấp thông tin cho hơn 70 đoàn khách đầu tư nước ngoài gồm hàng trăm đơn vị sản xuất, kinh doanh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Bỉ, Trung Quốc… với mục tiêu tìm hiểu về môi trường, cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm ITPC, chia sẻ: Hệ thống đối thoại doanh nghiệp với chính quyền TP Hồ Chí Minh đang phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước tiến đến thực hiện nền hành chính điện tử. Các chương trình đối thoại ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các sở, ngành Thành phố, đồng thời trở thành kênh thông tin quan trọng của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại Tính đến tháng 12/2013, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 2.548 văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, trong đó ở lĩnh vực thương mại có 2.432 đơn vị và lĩnh vực đặc thù có 116 đơn vị. Riêng trong năm 2013, có 222 văn phòng đại diện thành lập mới của các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ…
Ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố nhận định: Những văn phòng đại diện này có đóng góp không nhỏ đối với hoạt động thương mại của thành phố. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu do văn phòng đại diện xúc tiến đạt hơn 8,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 10,6 tỷ USD. Bên cạnh những đóng góp trong lĩnh vực kinh tế, các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài còn tham gia giải quyết việc làm với thu nhập cao, ổn định cho gần 10.000 lao động được đào tạo tại thành phố.
Sau 3 năm (2011 - 2013) thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, tính bình quân kim ngạch xuất khẩu thành phố đạt mức tăng trưởng 3,8%/năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố gồm: Nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử… Trong giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng ở mức 11%/năm, cơ cấu nhập khẩu đã có sự chuyển biến tích cực, giá trị nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên - nhiên - vật liệu chiếm trên 94%, còn nhóm mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ chiếm 6%.
Nhằm thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối tác, tận dụng mọi khả năng để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trên các thị trường quốc tế. Đồng thời, Sở tăng cường kết nối doanh nghiệp Thành phố với thị trường tiêu thụ thông qua mở rộng hệ thống phân phối, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt kết nối giữa người sản xuất - người kinh doanh - người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: Năm 2014, sự chuyển dịch của các nền kinh tế sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới nên các sở, ngành TP Hồ Chí Minh cần liên kết với nhau trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại cũng như phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương để tránh sự chồng chéo trong quá trình hoạt động, nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác xúc tiến. Từ đó có những giải pháp thiết thực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế Thành phố. Đồng thời để nâng cao chất lượng chương trình xúc tiến, các sở, ngành phải có sự chọn lọc, trọng tâm với mục tiêu đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, kinh doanh và phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2015, với việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ mở ra cho doanh nghiệp trong và ngoài nước nhiều thời cơ mới, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng và bền vững hơn.
Mỹ Phương