TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh sẽ bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu đến tận tay người nghèo.

Chú thích ảnh
Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có 10 "Siêu thị mini 0 đồng" mang hàng hóa thiết yếu miễn phí đến cho người nghèo. 

Vẫn thiếu hàng cục bộ

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở khu vực thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, Quận 3... lượng hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá tươi sống khá dồi dào, trong khi lượng khách đến mua sắm đã giảm khoảng 50-60% so với những ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở một số quận lại rơi vào tình trạng thiếu hàng cục bộ, chủ yếu là các mặt hàng rau xanh, cá tươi...

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng vào cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op trên đường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức. Cửa hàng thực phẩm này chỉ phục vụ khoảng 5 khách/lần để tuân thủ quy định phòng dịch. 

Tại siêu thị Saigon Co.op, VinMart, BigC, MM.Mega Market, Bách Hóa Xanh, Family Mart, AEON, Vissan… rau củ quả, trái cây các loại chất đầy trên các quầy kệ, giá bán vẫn ổn định.

Cụ thể như khoai tây Đà Lạt giá 40.000 đồng/kg, bí xanh giá 25.000 đồng/kg, cải bắp có giá 25.000 đồng/kg, mướp hương có giá 28.000 đồng/kg… Tại quầy thực phẩm tươi, các mặt hàng thủy hải sản cũng khá phong phú và đầy ắp trên các quầy kệ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng này chỉ đầy đủ nhất vào sáng sớm, về chiều lại diễn ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. 

Chú thích ảnh
Mặc dù các cửa hàng nhập thực phẩm liên tục nhưng do lượng khách mua đông nên vẫn có lúc cạn hàng. 

Để giải quyết tình trạng thiếu hàng cục bộ, đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho biết, lượng hàng hóa vẫn đang được tăng cường về các siêu thị, cộng với việc tăng giờ mở cửa nên người dân có thể yên tâm mua sắm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ông Lâm Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Satrafoods cho biết, hiện nay, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. "Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Cùng với đó, các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động từ 7 - 23 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu tăng cao của khách", ông Lâm Quốc Khanh cho biết.

Chú thích ảnh
Các siêu thị lớn có nguồn cung hàng hóa khá dồi dào hơn các siêu thị nhỏ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị cũng đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ từ 1-3 tháng, nguồn cung hàng hóa cũng tăng gấp 2-3 lần so với trước khi dịch lần thứ tư xuất hiện. Hiện nay, tất cả các siêu thị Co.opmart đã chuẩn bị phương án phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ nhằm hạn chế di chuyển... để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị 16.

Chú thích ảnh
Mặt hàng thịt lợn được nhập về từ sớm để phục vụ khách hàng mua sắm trong ngày.

"Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online, giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân", ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm. 

Mang hàng thiết yếu đến với người nghèo

Hiện nay, nhiều người nghèo trong các khu cách ly, khu phong tỏa đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, vì vậy các đơn vị, ban ngành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt lại các "Siêu thị 0 đồng" để mang hàng thiết yếu đến tận tay người dân. 

Chú thích ảnh
Người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa được nhận rau xanh, thực phẩm hàng ngày từ các đơn vị, ban ngành TP Hồ Chí Minh chăm lo.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố đã cho hoạt động trở lại “Siêu thị mini 0 đồng” với quy mô 10 siêu thị/ngày; mô hình “Chợ nghĩa tình” do các thầy cô giáo và Đoàn Thanh niên tổ chức triển khai đồng loạt trên 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; các bếp ăn nghĩa tình, các hoạt động từ thiện... cũng được Thành phố triển khai trên toàn địa bàn để kịp thời mang thực phẩm về với người nghèo.

Đặc biệt, ngành công thương còn đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn lưu động đến những khu vực có đông người lao động, khu vực phong toả... nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định cho người dân.

Chú thích ảnh
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp tiếp tế rau xanh liên tục cho người dân ở các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly.

Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện một số cửa hàng tiện lợi trong các khu vực dân cư đông đúc có tình trạng hàng về chậm dẫn đến thiếu hàng cục bộ. Khi nhận được phản ánh, Sở cũng đã điều phối để bổ sung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân các khu vực đó. Tuy nhiên, do người dân mua nhiều hàng hóa trong cùng một thời điểm và các siêu thị lại châm hàng theo từng giờ cố định nên một số cửa hàng không còn hàng để bán.

"Dự kiến trong một vài ngày tới, lượng hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ đi vào ổn định, vì vậy người dân không cần mua tích trữ như những ngày qua. Trong ngày 11/7, qua kiểm tra tại các hệ thống siêu thị, giá cả hàng hóa không tăng so với thời điểm trước khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 16", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tái khởi động các "Siêu thị 0 đồng" để đem các mặt hàng thiết yếu đến cho người dân nghèo mỗi ngày. 

Theo Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm; 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm; 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích; 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân. Hiện lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP Hồ Chí Minh với khối lượng tương đối dồi dào.

“Với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.

Trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 11/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay một bộ phận người dân đang có sự nhầm lẫn về giá cả hàng hóa thiết yếu. Thứ nhất là sự chênh lệch giá giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa trong nước, đơn cử như rau củ của Australia thì cao hơn 2-3 lần so với rau củ cùng loại. Thứ hai, do các siêu thị dừng chương trình khuyến mại nên giá hàng hóa trở lại giá niêm yết ban đầu. Vì vậy, để tạo điều kiện mua sắm thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người, Thành phố đã phối hợp với Tổ công tác của Bộ Khoa học Công nghệ và các doanh nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, định vị các điểm bán hàng để người dân nắm rõ".

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh hoàn thành cấp điện ưu tiên cho các bệnh viện dã chiến mới
TP Hồ Chí Minh hoàn thành cấp điện ưu tiên cho các bệnh viện dã chiến mới

Chiều 11/7, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, trong ngày hôm nay các Công ty Điện lực Hóc Môn và Bình Chánh thuộc EVN HCMC đã hoàn thành cấp điện ưu tiên cho các bệnh viện dã chiến mới tại huyện Hóc Môn và Bình Chánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN