Theo đó, Top 6 chung kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2018, gồm các dự án: giải pháp nông nghiệp thông minh APPA Smart Farm; nut Platform - IoT Platform - hệ sinh thái kết nối vạn vật cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nhà lưỡng cư thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía, phục vụ trong nuôi tôm thâm canh; thực phẩm dược liệu Kon Tum; và trang trại Hắc Mộc Heo.
Sau 9 tháng phát động, cuộc thi nhận được sự tham gia nhiệt tình của hàng nghìn thanh niên - sinh viên trên khắp cả nước. Cụ thể, gần 250 dự án đạt giải cao của 37 trường đại học, 27 tỉnh, thành được tuyển chọn từ các cuộc thi trên cả nước đã gửi về Ban tổ chức để tham dự vòng Chung khảo toàn quốc. Trong đó, có một số trường đại học quen thuộc tham gia nhiều năm như Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Đại Nam, Đai học Thái Bình, Đại học Duy Tân, Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên)…
Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Aptech cho biết, năm nay tỷ lệ dự án có tiềm năng và đã triển khai thực tế nhiều hơn, tuy nhiên chất lượng dự án hiện đang đi theo hai hướng khác nhau. Điển hình, đa phần dự án tính khả thi thấp, chỉ dừng ở ý tưởng, còn lại là các dự án tiềm năng hoặc đã triển khai thực tế.
Riêng đối với các dự án công nghệ, đây là năm đáng ghi nhận vì đã có xuất hiện những dự án liên quan đến công nghệ 4.0, ví dụ như IoT. Việc xuất hiện những dự án này rất quan trọng, đánh dấu bước chuyển mới của Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin.
Còn ông Nguyễn Tuấn Hiệp, Giám đốc Vườn ươm BK Holdings cho hay, BK Holdings đóng vai trò đơn vị trung gian để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nên nhận thấy tính liên kết khi xây dựng các chương trình phát triển hệ sinh thái là vô cùng quan trọng. Trong năm nay, khi hợp tác với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đã có được lan tỏa trong đông đảo cộng đồng, thu hút sự tham gia của nhiều thành tổ trong hệ sinh thái của các trường đại học, các vườn ươm, các tổ chức thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.
Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên Cuộc thi triển khai dự án “Thúc đẩy Khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để khởi sự kinh doanh thành công”. Do đó, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung vào đào tạo, huấn luyện, tư vấn; đồng thời, để khuyến khích và hỗ trợ phát triển của các nhân tố trong cộng đồng thì không thể thiếu vai trò đầu mối của đơn vị truyền thông rất quan trọng.
Trong năm 2018, Ban tổ chức chung kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia cũng đã ra mắt hệ sinh thái khởi nghiệp với thành phần tham gia là các nhà đầu tư, các cố vấn, các huấn luyện viên, các giảng viên, các hub và vườn ươm, các doanh nghiệp hỗ trợ tăng tốc. Ngoài ra, ý kết hợp tác với nhiều đối tác để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái của mình cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động khởi nghiệp quốc gia như Ngân hàng Thương mại cổ phần SHB, Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển Khởi nghiệp - NSCI, tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Cố vấn Khởi nghiệp VMI (Vietnam Mentors Initiative).
Dự kiến Ban tổ chức sẽ tổ chức Festival Khởi nghiệp để trao giải cho các dự án xuất sắc nhất cuộc thi khởi nghiệp 2018; đồng thời, tổ chức chào đầu tư cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn tại Festival Khởi nghiệp 2019 được tổ chức ngày 11/1/2019 tại Hà Nội. Cũng tại Festival khởi nghiệp 2019, các hoạt động bên lề khác sẽ diễn ra như trưng bày các sản phẩm triển khai thực tế của các dự án khởi nghiệp, giao lưu và gặp gỡ với các dự án đã đạt giải các năm trước, các cố vấn…