Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 sẽ là mục tiêu thách thức

Kết thúc năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu thể hiện sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường… Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%.

Để hiểu rõ hơn một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022 và những động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Xin Tổng cục trưởng cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022?

Kết thúc năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rõ nét, thể hiện sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn.

Một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 như: hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2022.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp năm 2022 đang trên đà phục hồi và phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ; xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của các năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của các năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%.

Tuy nhiên, năm 2022 kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: chi phí sản xuất đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Giá nhập khẩu phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng cao; ngành chăn nuôi đứng trước nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng giảm. Điều này gây áp lực lớn cho người nuôi; khai thác thủy sản biển gặp bất lợi khi giá xăng, dầu tăng cao.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Một số ngành dịch vụ thị trường chưa đạt được quy mô so với năm chưa xảy ra dịch COVID-19; xuất, nhập khẩu chững lại với tốc độ tăng chậm dần….

Một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn; trong đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022 tăng 19,5% so với năm trước...

Tổng cục Thống kê vừa đề cập tới kết quả tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Vậy, đâu là nguyên nhân tạo nên dấu ấn của những thành công này trong năm 2022?

Mặc dù đã qua thời kỳ cao điểm khó khăn của dịch bệnh COVID-19, người dân hiện nay đã có cuộc sống bình thường ổn định trở lại, song hậu quả của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, hành vi mua và thói quen tiêu dùng của người dân.

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng có những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế - xã hội. Đó là cơ hội và là động lực để doanh nghiệp nắm bắt phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả tăng trưởng cao do người dân đã tự chủ sản xuất. Nhờ đó, giúp đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững của đất nước, làm tốt vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, an dân khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động, kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Do đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển với tốc độ cao. Cộng đồng doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là nhu cầu đi lại, du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.

Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Mặc dù hai năm qua dịch COVID-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu…

Tổng cầu thế giới suy giảm, nhưng năm 2022 kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn vượt mốc 700 tỷ USD. Số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng. Vậy, giải pháp nào cho năm 2023 để đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, thưa Tổng cục trưởng?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhờ chủ động thực hiện linh hoạt các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.

Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2023, theo tôi, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, quy trình phương thức quản trị doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ tham gia FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu. Cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách, giải pháp cho các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích, hỗ trợ doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội; khắc phục hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế các FTA.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đồng thời, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN.

Trong năm 2022, thị trường lao động Việt Nam biến động trái chiều. Theo Tổng cục trưởng, cần có giải pháp nào để thị trường lao động ổn định, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023?

Nói chung, thị trường lao động tuy phục hồi chậm lại vào quý IV năm nay nhưng tính chung cả năm 2022, thị trường lao động vẫn tiếp tục phục hồi. Lực lượng lao động, lao động có việc làm, thu nhập đều tăng so với năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn năm 2021.

Dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Để thị trường lao động ổn định, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, lạm phát ở mức cao… Xin bà cho biết, những động lực để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 đã được Quốc hội thông qua?

Năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý, thiên tai, dịch bệnh bão lũ, biến đổi khí hậu... là các vấn đề cần hết sức lưu ý.

Như vậy, có thể thấy bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.

Cơ sở để đạt được mục tiêu này dựa trên các động lực chính. Đó là, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này.

Mặc dù, có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV năm 2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất khá tốt nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất máy móc, thiết bị... Đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ) đã kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch. Đó là các ngành dịch vụ thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung.

Cùng với đó, cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước. Năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Đầu tư công cũng sẽ là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Khi tiêu dùng sau giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch COVID-19 đã có dấu hiệu chậm lại và đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số khi hiện nay vốn đăng ký giảm đi, dù vốn thực hiện có tăng thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Cuối cùng, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Xin cám ơn Tổng cục trưởng!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)
Chuyên gia kinh tế Nga đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Nga đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2023, phóng viên TTXVN tại LB Nga đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Mazyrin, nhà Việt Nam học người Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN trực thuộc Viện Trung Quốc và châu Á Đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, về hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN