Tồn hàng, nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và rơi vào cảnh khó khăn

Hiện nay, hàng trăm hộ nuôi cá biển trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu đang rơi vào tình cảnh cá và hàu nuôi đến kỳ xuất bán nhưng không tiêu thụ được.

Đây cũng địa bàn có hộ nuôi cá biển và hàu lồng bè lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với 275 hộ nuôi; trong đó, ước tính trên 60% hộ đang trong tình cảnh lao đao vì ế hàng.

Chú thích ảnh
5.000 con hàu giống được anh Nguyễn Thành Thà, khu nuôi tiểu khu 1 ở sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, nuôi đến nay đã được một năm, giá thì rớt xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg mà không có người mua.

Những ngày này, tại sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, nhiều lồng bè nuôi cá biển như: cá bớp, cá mú, cá chim đã hơn 10 tháng nuôi hay hàu có bè nuôi đã hơn 1 năm chưa tiêu thụ được.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đẹt tại Tiểu khu 1, sông Chà Và có 8 lồng nuôi cá biển, với 4.000 con cá bớp, mú, chim và 40.000 hàu giống đã nuôi được hơn 10 tháng. Ước tính có khoảng trên 3,5 tấn cá biển và 10 tấn hàu đang đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, từ qua Tết Nguyên đán đến nay, giá các loại cá giảm mạnh, xuống mức kỷ lục từ trước đến nay nhưng không có người mua.

Anh Đẹt cho biết, cá không có người mua, trong khi đó chi phí thức ăn càng ngày càng tốn kém do cá đã lớn lượng thức ăn cần nhiều hơn. Mặc dù nuôi cầm chừng nhưng anh phải tốn hơn 2 triệu đồng tiền thức ăn cho cá mỗi ngày. Tính chung lứa này đã đội chi phí lên khoảng 700 triệu đồng.

“Để nuôi được một lứa cá biển lồng bè, chi phí rất lớn nên gia đình tôi phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng. Với tình trạng này, người nuôi như chúng tôi đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất”, anh Đẹt chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Thành Thà tại Tiểu khu 1, sông Chà Và cũng đang trong tình cảnh tương tự. Gia đình anh Thà có 4 lồng bè; trong đó, có 5.000 hàu giống. Anh rất lo lắng khi hàu đã nuôi được 1 năm, hiện đang tự rụng xuống sông và chết do già ngày tuổi, khiến tỷ lệ hao hụt từ 40-50%.

Tại khu vực sông Chà Và, thời tiết đang vào đầu mùa mưa nên chỉ cần môi trường nước thay đổi đột ngột hoặc môi trường bị ô nhiễm rất dễ dẫn tới hiện tượng cá nổi đầu, bỏ ăn…. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay đối với cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và, có năm cá bị chết hàng loạt khiến người nuôi mất trắng.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tại sông Chà Và có 275 hộ nuôi cá biển lồng bè và hàu; trong đó, ước tính trên 60% số hộ đang trong tình cảnh cá đến kỳ xuất bán mà không có người mua.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ người nuôi vượt qua khó khăn; đồng thời, tăng cường gửi khuyến cáo đến điện thoại người nuôi hàng ngày. Qua đó, hướng dẫn người nuôi theo dõi, kiểm tra các yếu tố bất lợi về môi trường nuôi, nguồn nước.

Chú thích ảnh
 Cá bớp đã đến kỳ xuất bán tại bè nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Đẹt, tiểu khu 1, sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu rớt xuống với mức giá kỷ lục chỉ còn 110.000 đồng/kg, trước đây vài tháng là 150.000-160.000 đồng, tuy nhiên lại không có ai mua. 

Ngành thủy sản cũng lưu ý người nuôi lưu ý lượng thức ăn cho cá, không để dư thừa quá nhiều trong lồng sẽ ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Người dân cần tăng cường bổ sung chất khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá nuôi trong thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa.

Trong trường hợp cá nuôi có dấu hiệu bị bệnh, lờ đờ bỏ ăn, người nuôi phải kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Biện pháp giảm thiểu rủi ro khi nuôi cá lồng bè trước mưa giông lớn
Biện pháp giảm thiểu rủi ro khi nuôi cá lồng bè trước mưa giông lớn

Theo dự báo, giai đoạn chuyển mùa này tại các tỉnh phía Bắc thường hay xảy ra mưa lớn, giông lốc... gây chết cá, cuốn trôi, hư hại lồng bè nuôi cá trên sông và hồ chứa tại các tỉnh phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN