Tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết

Nguồn cung của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng khá dồi dào; trong khi sức mua của thị trường về các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn. Ngoài ra cũng có những bất cập trong vấn đề điều tiết của khâu lưu thông, phân phối. Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về vấn đề này.

Xin ông cho biết, ngành chăn nuôi đã đề ra những giải pháp gì giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi?

Thị trường và giá cả đang là vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam, không riêng gì chăn nuôi và chăn nuôi lợn của nước ta. Trước mắt, để người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này, theo tôi cần triển khai một số vấn đề. Thứ nhất, các cơ quan quản lý và truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả thị trường ở các vùng để người chăn nuôi và người tiêu dùng biết, tránh thương lái lợi dụng ép giá.


Thứ hai, các địa phương triển khai đầy đủ nội dung theo Văn bản số 11205/BNN - CN, ngày 29/12/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong đó có biện pháp tạo mọi điều kiện cho việc vận chuyển thông thương các sản phẩm chăn nuôi, nhất là hạn chế mở các trạm kiểm soát chuyên ngành ở những nơi không phải là trạm đầu mối và việc dừng xe chở gia súc, gia cầm sống, nhất là xe chở lợn.


Thứ ba, các doanh nghiệp kinh doanh vật tư, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tổ chức chứng nhận... phải tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận để hạ giá vật tư đầu vào giúp người chăn nuôi. Nội dung này đã được nhiều công ty, doanh nghiệp chia sẻ trong các tuần vừa qua...


Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ và Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay cho người chăn nuôi lợn thuộc đối tượng chính sách, gia đình khó khăn và các cơ sở chăn nuôi duy trì đàn giống.


Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm soát và vận động thương lái thực sự chia sẻ với người chăn nuôi, cùng với người tiêu dùng mua lợn và thịt lợn giúp người nông dân. Người chăn nuôi rà soát, đánh giá loại thải ngay những con giống, nhất là những lợn nái kém chất lượng và không bán phá giá lợn trên thị trường.


Về lâu dài, để hạn chế rủi ro, ngành chăn nuôi có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, trong đó trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào, thưa ông?


Chính phủ đã có định hướng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tuy nhiên cần tổng kết lại trong năm 2017 để điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đặc biệt là định hướng quy hoạch các ngành hàng chủ lực như: thịt lợn, thịt, trứng gia cầm và thịt trâu bò.


Theo đó, cần điều chỉnh lại quy mô, cơ cấu sản phẩm của từng ngành hàng gắn với các phân khúc thị trường và giảm áp lực môi trường do chăn nuôi gây ra. Trong đó cần chú trọng đến thị trường xuất khẩu thịt lợn, trứng gia cầm, thức ăn chăn nuôi và hạn chế nhập khẩu thịt, sữa, gia súc ăn cỏ.


Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó đứng đầu là các doanh nghiệp - Hợp tác xã, Tổ hợp tác - Hộ chăn nuôi hoặc Doanh nghiệp - Hộ chăn nuôi lớn, hộ trang trại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát được cung cầu thị trường.


Các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, khảo sát thị trường, hoàn thiện hạ tầng pháp chế, hàng rào kỹ thuật, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm dịch và kiểm tra chất lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trước hết là các nước xung quanh và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm mà trong nước đã đáp ứng được.


Xin cảm ơn ông!
 
H.V (thực hiện)
Tạo chuỗi liên kết: Hướng đi cần thiết cho sản xuất rau an toàn
Tạo chuỗi liên kết: Hướng đi cần thiết cho sản xuất rau an toàn

Thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho thấy trên diện tích 1 hécta đất trồng cây đậu bắp, cây mè… mang lại từ 25 - 38,3 triệu đồng lợi nhuận ròng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN