Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Cử tri đề nghị quyết liệt hơn nhằm thực hiện các chuỗi liên kết

Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên thảo luận này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Lê Thị Yến phát biểu ý kiến trong buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


* Các giải pháp đã phát huy tác dụng

Cử tri Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hà Hiền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, cử tri rất vui mừng khi mức tăng trưởng của hầu hết các ngành công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2015 đều cao hơn so với cùng kì năm trước, cho thấy các giải pháp của Chính phủ đề ra đã phát huy tác dụng.

Riêng trong quý I/2015, tổng sản phẩm trong nước tăng hơn 6%, cao nhất so với cùng kì 5 năm qua. Trong quý I năm nay, khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản đều có sự tăng trưởng; tình hình sản xuất kinh doanh tốt phản chiếu mức tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa ổn định do: Việt Nam vẫn xuất khẩu mặt hàng thô là chính, chịu tác động lớn từ thị trường bên ngoài. Sự điều chỉnh về tỉ giá cũng có thể tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Để khắc phục điều này, các bộ, ngành nên theo dõi chặt chẽ sự biến động để kịp thời điều chỉnh bằng các công cụ hành chính hợp lý.

Còn cử tri Cao Thành Trung, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những quyết sách rất đúng và trúng, đưa kinh tế nước ta phát triển, đặc biệt là trong vấn đề xuất nhập khẩu, bình ổn giá cả thị trường, tài chính ngân hàng...

Tuy nhiên, trong việc chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như việc tái cơ cấu nền kinh tế tại khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp được tái cơ cấu và còn khoảng hơn 180.000 doanh nghiệp chưa được tái cơ cấu, trong khi Quốc hội giao nhiệm vụ là đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc tái cơ cấu khu vực này. Đây là một vấn đề lớn cần Chính phủ, các bộ, ngành liên quan giải quyết, có như vậy mới hoàn thành mục tiêu đưa nước ta phát triển, ổn định và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Luật sư Đỗ Pháp ở thành phố Đà Nẵng đánh giá cao những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 8/6. Điều này chứng tỏ các đại biểu đã nắm rất kỹ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từ đó có những ý kiến rất xác thực và phù hợp với ý kiến của người dân, nhất là về vấn đề tài chính-ngân hàng.

Cũng tại Đà Nẵng, cử tri Trần Hưng Đại, cán bộ hưu trí quận Hải Châu bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng khi Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Qua báo cáo, cử tri cũng thấy được, những tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay; kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên... Những con số này cho thấy sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Cử tri Nguyễn Văn Soi, Giám đốc Công ty An Chiến Thắng, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời gian qua. Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với một số nước, dự kiến trong năm 2015 sẽ có 8 hiệp định FTA tiếp tục được ký kết. Đây là những tín hiệu khả quan giúp nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, mở rộng thị trường hàng hóa, tạo sức bật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở ra cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; giúp các sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra thị trường các nước.

* Cần quyết liệt thực hiện các chuỗi liên kết

Theo cử tri Trần Hưng Đại, cán bộ hưu trí ở quận Hải Châu (Đà Nẵng): Chính phủ cần có những phân tích, đánh giá cụ thể hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện ổn định các chính sách tiền lương, bảo hiểm, tiền thuê đất, tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài.

Tại Đồng Nai, cử tri Nguyễn Văn Soi, Giám đốc Công ty An Chiến Thắng, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa đề nghị Chính phủ tiếp tục có những quyết sách quyết liệt hơn nhằm thực hiện các chuỗi liên kết công nghiệp, nông nghiệp để gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhằm giải quyết "đầu vào" cũng như thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các chiến lược về dự báo thị trường nhằm định hướng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá như thời gian qua.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên Công ty Fashion Garment, đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng: Thời gian gần đây các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết đã tạo sức bật cho nhiều ngành công nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất.

Việt Nam đang đàm phán FTA với EU, sau khi hiệp định này được ký kết, nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may, giày da sẽ có nhiều điều kiện hơn để mở rộng thị trường các nước EU. Cử tri Nguyễn Thị Thanh Tâm đánh giá cao các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra và thực hiện trong năm 2015, mong muốn Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và sớm kết thúc đàm phán để ký kết các FTA trong năm nay.



P/v TTXVN tại các địa phương
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế- xã hội
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế- xã hội

Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN