Tính cách huy động vàng trong dân

Làm thế nào để huy động vàng trong dân đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách.

 

Theo ước tính của NHNN, hiện số lượng vàng trong dân khảng 300 đến 500 tấn (ước giá trị lên tới 18 đến 30 tỷ USD).Lượng vốn này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu tiền cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nợ nước ngoài của Việt Nam khoảng 44 tỉ USD, nếu NHNN huy động được 300 - 500 tấn vàng, ngoại tệ quốc gia sẽ cân đối đáng kể so với nợ nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Phát hành chứng chỉ


 

Làm thế nào để huy động vàng trong dân đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách. Ảnh: Internet

 

Có thể nói, vấn đề khó nhất đối với việc huy động vàng hiện nay chính là việc làm thế nào để thay đổi tâm lý của người dân. Từ trước đến nay, vàng vẫn được xem là tài sản tích lũy chứ không phải là đầu cơ. Chính vì vậy, người dân thích cất giữ vàng trong nhà hơn là gửi vào ngân hàng. Ngoài ra, cũng do một thực tế là người dân khi mang vàng đi gửi phải mất nhiều thủ tục, chưa kể lãi suất thấp và khi cần thì không thể dễ dàng lấy ra sử dụng. Vì thế, vấn đề quan trọng là phải tạo dựng được lòng tin của dân khi gửi vàng.


Một trong những giải pháp huy động vàng trong dân đang được các chuyên gia đề cập là phát hành chứng chỉ như một số nước trên thế giới đang áp dụng. Cách làm này sẽ giúp tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng những chính sách khuyến khích người dân bỏ vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư vào cổ phiếu hoặc gửi vàng vào ngân hàng. Một hình thức huy động là NHNN phát hành chứng chỉ vàng, trong đó một loại được bảo chứng bằng vàng phục vụ người dân có nhu cầu tích trữ tài sản bằng vàng. Theo đó, người dân sẽ mang vàng vật chất đổi thành chứng chỉ vàng, khi có nhu cầu có thể rút hoặc bán đều được. Loại thứ hai là chứng chỉ mua bằng tiền và được giao dịch trên Sở giao dịch vàng. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhà đầu tư, lại an toàn, không tốn chi phí, không sợ mua nhầm vàng không đúng chất lượng.


Đề xuất giải pháp về vấn đề này, ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng nên sớm phát hành chứng chỉ vàng. Với chứng chỉ vàng trong tay, người dân có quyền trao đổi, giao dịch vàng bất cứ lúc nào. Và khi cần, cũng có thể rút vàng tại hệ thống ngân hàng bằng chứng chỉ đó mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Có như vậy, người dân mới có thể thay đổi được thói quen, tâm lý giữ vàng làm tài sản phòng thủ. Thế nhưng, phần lớn người dân lại chưa mặn mà với việc gửi vàng tại các ngân hàng.


Tiếp cận vấn đề khó khăn từ lãi suất, theo ông Lê Hùng Dũng Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), hiện nay lãi suất huy động vàng rất thấp, chỉ khoảng 2 – 3%/năm, không hấp dẫn người dân gửi vàng. Chính vì vậy, ông Dũng đề xuất giải pháp tăng lãi suất, “nhưng nếu tăng lãi suất lên cao hơn, phải tính đến mức độ rủi ro”. Theo ông Dũng, với 500 tấn vàng tồn được huy động, nếu NHNN chưa làm gì để sinh lợi mà vẫn phải trả lãi cho người dân thì đó sẽ là gánh nặng cho các nhà quản lý. Giải quyết được mâu thuẫn này thì mới huy động được lượng vàng khổng lồ đang nằm im trong dân.


TS. Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng, để huy động được nguồn vốn vàng lớn trong dân, NHNN có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng, song cần cấm tuyệt đối việc cho vay vàng hoặc chuyển đổi vàng sang tiền đồng để cho vay. “Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại có thể sử dụng số vàng này, chiết khấu với NHNN để vay tiền đồng. Như vậy, số vàng đó vẫn được bảo đảm để chi trả cho người dân” - ông Lịch nói.


Sử dụng hiệu quả số vàng huy động


Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí chia sẻ khó khăn với đề án huy động vàng trong dân mà NHNN đang khởi thảo. Ông Chí cho rằng, vấn đề không phải nằm ở lãi suất mà sự biến động bất thường của thị trường vàng. Thực tế cho thấy, chưa có nước nào trên thế giới áp dụng hình thức này. Bởi nếu giá vàng tăng cao đột biến, người dân kéo đến rút vàng, liệu NHNN có đủ tiền mua lại vàng để trả lại cho dân. Thống kê 40 năm qua (từ năm 1971 đến 2011) cho thấy, giá vàng đã tăng lên 54 lần và chưa bao giờ dừng lại. Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, vàng sẽ ở mức giá 2.000 - 2.100 USD/ounce khoảng năm 2012 - 2013.

 

Trước những lo ngại về việc huy động vàng, vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để có thể sử dụng hiệu quả số vàng đó cũng được nhiều chuyên gia ngân hàng đề cập. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đưa ra giải pháp huy động vàng trong dân để đưa vào nền kinh tế hiệu quả và an toàn là các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân, sau đó gửi vào ngân hàng nước ngoài và dùng chính số vàng đó làm tài sản thế chấp để vay lại ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài.


Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long đề xuất cần nghiên cứu việc sử dụng nguồn vàng trong dân để thế chấp khi vay ngoại tệ. Như vậy, vàng vẫn còn đó, mà cũng có nguồn ngoại tệ được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Khi dân cần, Nhà nước vẫn có vàng để trả.

 

 

Quốc Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN