Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
“Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Phó Thống đốc cho rằng, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm; nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Đến nay, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đặc biệt, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Trước đó, NHNN đã ban hành Văn bản số 8444/NHNN-VP triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, cần theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng và đề xuất các biện pháp điều phối hợp lý để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Đặc biệt, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP và chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (dự kiến quy mô triển khai Chương trình khoảng 60.000 tỷ đồng).