Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, đoàn công tác do ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật HTX (sửa đổi) làm trưởng đoàn; cùng sự tham gia của các chuyên gia Văn phòng Quốc hội và Bộ KH-ĐT là thành viên Tổ biên tập Dự án Luật HTX (sửa đổi).
Trong thời gian ở Israel, đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên đoàn Công xã Kibbutz, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp… để tìm hiểu về cơ chế quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX tại Israel, các mô hình như Kibbutz (mô hình công xã hiện đại nơi các thành viên sở hữu tài sản chung, làm việc và sinh hoạt chung), Moshav (mô hình tương tự Kibbutz nhưng các thành viên sở hữu tài sản riêng) và các cụm dân cư nông thôn. Các nội dung khảo sát bao gồm tình hình phát triển của kinh tế tập thể, HTX và vai trò đối với nền kinh tế Israel; các chính sách hỗ trợ của chính phủ, khung khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của các HTX; vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức của các tổ chức đại diện cho các HTX…
Đoàn công tác cũng tới thăm một số Kibbutz tiêu biểu tại Israel để tìm hiểu mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quan hệ giữa ban điều hành và các thành viên, mô hình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, phân phối thu nhập và các lợi ích khác trong Kibbutz.
Xuất hiện lần đầu tiên năm 1909, các Kibbutz tại Israel đã có giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong các thập niên 1960 - 1970, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên cao hơn mức trung bình của cả nước. Hiện Israel vẫn còn khoảng 270 Kibbutz, đều đã chuyển đổi mô hình sản xuất và kinh doanh phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội hiện đại, trong đó khoa học công nghệ đóng vai trò dẫn dắt. Theo thống kê, năm 2021 các Kibbutz tại Israel đã tạo ra nguồn doanh thu lên tới 50,3 tỷ NIS (14,5 tỷ USD), đạt giá trị 1,5 triệu NIS (440.000 USD) trên mỗi thành viên, đóng góp tổng cộng trên 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.