Cần sớm hoàn thiện chính sách để quản lý hiệu quả đất đai, phát triển kinh tế tập thể

Từ ngày 4-10/5/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 5 để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng.

Các nội dung thảo luận tại Hội nghị đã thu hút  sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đổi mới nông nghiệp, nâng cao nhận thức của nông dân

Phụ trách lĩnh vực nông nghiệp nên các nội dung liên quan đến Hội nghị, đặc biệt là vấn đề “tam nông”, kinh tế tập thể được ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và theo dõi kỹ càng. Theo ông Đinh Minh Hiệp, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung và vùng nông thôn ngoại thành nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn ngành nông nghiệp chịu tác động lớn của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Nông nghiệp Thành phố dần trở thành nền nông nghiệp “thịnh vượng” có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, sử dụng hiệu quả đất canh tác, tạo ra giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha vượt gấp 5 lần so với cả nước.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, phát huy thành quả đạt được sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, rất cần có chủ trương, chính sách mới của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phù hợp từ nay tới năm 2030 và các năm tiếp theo. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết mới phải dựa trên quan điểm chỉ đạo: Địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống người dân vùng nông thôn; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn vùng nông thôn.

Đối với kinh tế tập thể, ông Đinh Minh Hiệp nhận định: Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên rõ nét, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất của tổ chức hợp tác xã, tâm lý hoài nghi, đánh giá thấp vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tổng thể nền kinh tế đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất hợp tác xã là phục vụ và đem lại lợi ích thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, ông Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh: Cần tăng cường hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong điều kiện mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân; tránh tình trạng nhận thức không thống nhất, không đầy đủ, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Các địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, được đào tạo bài bản về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước

Theo dõi các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai trong nhiều năm qua, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên ANPHA NA, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực đất đai được thực hiện kịp thời, đúng trình tự thủ tục, căn cứ pháp lý và thẩm quyền, nội dung phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý đất đai tại địa phương. Đồng thời, Thành phố đã triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, tư duy nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng sử dụng đất; đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, ổn định và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện còn chậm so với quy định. Quy hoạch ngành, lĩnh vực khác chưa được thực hiện đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên khó dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng đất.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản. Về lâu dài, cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hữu Thế Trạch, chính sách pháp luật đất đai cần được tiếp tục đổi mới theo hướng thị trường, huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước theo xu hướng hội nhập; thực hiện đánh giá tác động chính sách, pháp luật đất đai đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng; tổ chức rà soát những điểm bất hợp lý, còn chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung…

Về chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ông Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thể chế và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những đổi mới mang tính đột phá về cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nhằm chỉnh sửa, bổ sung và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo ông Võ Văn Phúc, cần bổ sung quy định tiêu chí các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà phải thu hồi đất, như: các dự án đầu tư công có sử dụng đất; các dự án sản xuất phi nông nghiệp; các dự án sản xuất nông nghiệp; công trình công cộng; các dự án dân cư. Bổ sung quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Võ Văn Phúc cho rằng tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách để đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, công bằng trong tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể gồm: Bổ sung hoàn thiện quy định trong pháp luật đất đai về chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất không phải do nhà đầu tư mang lại cho người có đất thu hồi, đảm bảo phân phối công bằng giá trị tăng thêm từ đất giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tái định cư tại chỗ khi xây dựng mới hoặc chỉnh trang, cải tạo khu đô thị, khu dân cư nông thôn; bổ sung quy định về việc bồi thường bằng đất đối với người có đất thu hồi được giao đất khác mục đích đất thu hồi nhưng ngang bằng về giá trị trong trường hợp địa phương có điều kiện về quỹ đất và người có đất thu hồi đất có nhu cầu.

Xuân Anh – Hồng Giang (TTXVN)
Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong khai thác hải sản khơi xa
Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong khai thác hải sản khơi xa

Nhằm khắc phục các khó khăn, giúp nghề biển vươn lên đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau đại dịch COVID-19, tỉnh Tiền Giang quan tâm phát huy vai trò kinh tế hợp tác trong khai thác hải sản trên các ngư trường khơi xa gắn với chủ động phòng, chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN