Tìm giải pháp tăng chuỗi giá trị rơm rạ

Ngày 8/4, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Diễn đàn Tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ - Hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Chú thích ảnh
Các bên liên quan thảo luận về giải pháp tăng giá trị rơm rạ sau thu hoạch lúa. 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước với sản lượng lúa mỗi năm hơn 24 triệu tấn và tạo ra gần 25 triệu tấn rơm rạ mỗi năm. Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ cần được khai thác đúng cách, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, rơm rạ ở Đồng bằng sông Cửu Long sau thu hoạch có khối lượng  khổng lồ, đây là "vàng" cho nông nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý rơm rạ và khai thác giá trị rơm còn gặp khó khăn. Trong tổng lượng rơm mỗi năm ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom, sử dụng trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, thức ăn gia súc... Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí metan (CH4) và khí nhà kính khác.

Tại Diễn đàn, các bên liên quan nhận định cần tổ chức quản lý lại rơm rạ, chuyển đổi mục đích sử dụng 70% lượng rơm rạ bị đốt hoặc vùi sau thu hoạch lúa để nâng giá trị. Cùng với đó là giảm đốt rơm để tạo ra nhiều dinh dưỡng cho đất đai; di chuyển rơm rạ khỏi đồng ruộng để giảm phát thải khí nhà kính. Để làm được điều này cần ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rơm rạ; thu gom, xử lý, sử dụng chế biến rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; các chính sách hỗ trợ cần thiết xử lý rơm rạ...

Từ nghiên cứu thực tế ứng dụng sản phẩm bio-canxi vào xử lý rơm rạ, TS. Phạm Anh Cường, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, phân bón bio-canxi có hiệu quả cao trong việc cải thiện pH đất, phân hủy nhanh rơm rạ, giảm khả năng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa, giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh, tăng khả năng đẻ nhánh so với xử lý theo phương pháp truyền thống và xử lý bằng trichoderma.

Về phía doanh nghiệp sản xuất hệ thống thu gom rơm, ông Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc TNHH MTV Tư Sang cho biết, việc ứng dụng máy móc trong thu gom và xử lý rơm rạ giúp cải thiện năng suất và giảm chi phí. Tuy nhiên, nông dân, hợp tác xã gặp khó khi tiếp cận công nghệ này. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ hợp tác xã đầu tư máy móc thu gom, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng; xử lý rơm làm phân hữu cơ.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% rơm rạ được thu gom ra khỏi đồng và xử lý chế biến tái sử dụng. Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn phụ phẩm là một trong các tiêu chí quan trọng, tăng thu nhập, tăng bền vững và giảm phát thải.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cơ hội để quản lý tốt rơm rạ là không đốt rơm rạ để đảm bảo tính đa dạng sinh học và bền vững trong canh tác lúa; không vùi rơm rạ trên ruộng ngập nước để giảm phát thải khí Metan (CH4). Rơm rạ được sử dụng trong sản xuất nấm rơm, thức ăn gia súc, phân bón sinh học, phân bón hữu cơ...

TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) so sánh với lúa truyền thống (không tính rơm), 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho năng suất 24 tấn/năm (3 vụ), lợi nhuận ròng (trừ chi phí) khoảng 86 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, 1 ha lúa có thể thu được 12 tấn rơm cuộn/năm, nếu nông dân bán rơm tại ruộng lợi nhuận là 1,8 triệu đồng/ha/năm.

Với lượng rơm này nếu đem trồng nấm sẽ thu được 1.000 kg nấm/ha/năm, lợi nhuận từ trồng nấm 6,5 triệu đồng/năm. Với 12 tấn rơm cuộn, sau khi trồng nấm sẽ đem đi sản xuất được 10 tấn phân bón hữu cơ, có thể thu lãi 9,5 triệu đồng/năm; sử dụng phân bón hữu cơ để trồng lúa, lợi nhuận ròng là 100 triệu đồng/ha/năm (giảm chi phí phân bón vô cơ, tăng năng suất lúa).

"Như vậy, tổng giá trị gia tăng từ rơm (dịch vụ cuộn rơm, trồng nấm, làm phân bón hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ) là 33,5 triệu đồng/ha/năm (tăng khoảng 35 - 40% thu nhập từ trồng lúa chưa tính rơm). Tổng thu nhập của toàn bộ chuỗi từ trồng lúa đến phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ là 133,5 triệu đồng/ha/năm", chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tính toán.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
Nhộn nhịp mùa thu mua rơm rạ
Nhộn nhịp mùa thu mua rơm rạ

Tại Sóc Trăng, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, hàng nghìn ha rơm rạ còn lại trên đồng ruộng được nhiều thương lái đến thu mua. Điều này làm giảm thiểu tác hại đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giúp người trồng lúa tăng thêm nguồn thu nhập. Hiện 1 ha sau khi thu hoạch lúa, thương lái đến thu mua với giá 550.000 đồng/ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN