Nhiều lợi ích khi nông dân sử dụng máy thu gom rơm rạ

Tại Hà Tĩnh, trước đây, việc đốt rơm trên đồng ruộng mỗi khi kết thúc vụ thu hoạch lúa diễn ra khá phổ biến, dẫn tới tình trạng khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái, lãng phí nguyên liệu.

Chú thích ảnh
Máy cuốn rơm có công suất cuộn từ 50 đến 70 cuộn/giờ. 

Khắc phục hạn chế đó, nông dân một số địa phương đã sử dụng máy cuốn thu gom rơm rạ. Nhờ vậy, rơm rạ sau thu hoạch đã được xử lý, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con.

Gia đình bà Lê Thị Hường ở thôn Đại Long, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà có 0,5ha canh tác lúa vụ Hè Thu. Sau khi thu hoạch lúa, bà thuê máy thu gom rơm rạ. Trong khoảng 2 giờ, máy đã cuốn hết rơm rạ. Bà Lê Thị Hường cho hay, trước đây, việc thu gom rơm thủ công mất nhiều thời gian và công sức nên người dân thường bỏ rơm rạ lại các cánh đồng hoặc xử lý bằng cách đem đốt. Hiện nay, có máy cuốn rơm, việc thu gom được thực hiện nhanh gọn. Rơm được máy cuốn thành từng cuộn tròn và dễ dàng vận chuyển, bảo quản, không tốn nhiều công sức.

Khi không có máy hỗ trợ, việc thu gom rơm rạ của người dân khá vất vả, nếu gặp mưa phải bỏ hết vì hư hỏng. Để thu gom rơm trên diện tích 1ha, nếu làm thủ công phải mất từ ba ngày đến một tuần. Với sự xuất hiện của máy cuốn rơm, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đã hợp đồng với chủ máy tiến hành thu gom ngay tại chân ruộng. Việc sử dụng dịch vụ thu gom rơm giúp nông dân giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian có thể chạy đua với thời tiết cũng như tiến độ sản xuất vụ Đông.

Ông Nguyễn Hữu Đức, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà chia sẻ, sau mỗi vụ gặt, gia đình ông đều thu gom rơm về cất trữ làm thức ăn cho gia súc. So với việc thu gom thủ công, việc sử dụng máy mang lại hiệu quả nhanh chóng, chỉ cần trong một buổi đã thu gom hết rơm. Rơm còn được cuốn thành từng bó nên rất dễ dàng trong việc vận chuyển về nhà.

Chú thích ảnh
Mỗi cuộn rơm sau khi thu gom có trọng lượng từ 10 đến 12kg. 

Hiện nay, việc sử dụng máy cuốn rơm được nông dân tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh sử dụng. Rơm sau khi thu gom thành những cuộn lớn có thể làm thức ăn chăn nuôi, trồng trọt, làm phân bón, che phủ cho cây trồng, đệm lót sinh học; đồng ruộng được giải phóng nhanh để sản xuất vụ mới.

Máy cuốn rơm có cơ chế vận hành khá đơn giản. Rơm được hút lên bằng thiết bị răng cuốn phía trước. Các thanh răng đưa rơm vào máy, sau đó rơm được cuộn lại và nén chặt bởi trục cuốn nằm ở phía trong cuộn rơm với trọng lượng bình quân từ 10 - 12kg được nhả ra sau khi đã cuộn chặt. Quá trình này chỉ mất từ một đến hai phút, công suất sẽ đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên là một trong những hộ đầu tiên mua máy cuốn rơm về phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Theo chị Hồng, sau vụ thu hoạch lúa Hè Thu, trừ ngày mưa, máy cuốn rơm của gia đình chị thường xuyên hoạt động hết công suất do nhu cầu của bà con rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, trung bình công cuốn cho một cuộn rơm có giá 10.000 - 15.000 đồng tùy trọng lượng và đặc thù đồng ruộng. Mỗi ngày máy có thể cuốn từ 300 - 400 cuộn, trừ chi phí chủ máy thu nhập từ 1,3 - 1,5 triệu đồng. Trường hợp người dân không có nhu cầu sử dụng sẽ bán lại cho chủ máy với giá 10.000 đồng/cuộn. Với 1ha, nếu bán rơm, người dân có thêm nguồn thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Vận chuyển các cuộn rơm sau khi được thu gom. 

Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đất trồng lúa khoảng 104 nghìn ha. Với diện tích này, hàng năm khối lượng rơm rạ trên đồng ruộng từ 600 - 650 nghìn tấn. Lượng rơm rạ được người dân thu gom để làm thức ăn chăn nuôi, độn chuồng... đạt khoảng 300 nghìn tấn. Số rơm còn lại, người dân để lại hoặc đốt ngay tại đồng ruộng.

Ông Phan Văn Huân, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước đây, do thu gom rơm rạ thủ công mất nhiều thời gian và tốn kém công sức, nhiều người chọn giải pháp đốt bỏ, gây lãng phí về nguyên liệu phục vụ sản xuất và đời sống, làm ô nhiễm, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Việc áp dụng thu gom rơm rạ bằng máy đã khắc phục các hạn chế này, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào thu gom phế phẩm trên đồng ruộng từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Nam Định sẽ xử lý hình sự việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường
Nam Định sẽ xử lý hình sự việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Những ngày này, người dân tại tỉnh Nam Định đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Sau khi thu hoạch, người dân thường đốt rơm rạ luôn tại cánh đồng gây khói bụi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN