Tìm giải pháp cho 'thủ phủ' chăn nuôi Ninh Thuận

Ninh Thuận là địa phương luôn chịu tác động của hạn hán, thiên tai. Do vậy để nghề chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao thì phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để vực dậy nghề chăn nuôi phát triển, xứng tầm là “thủ phủ” chăn nuôi gia súc của cả nước.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh tại hội nghị “Phát triển chăn nuôi gia súc gắn với chuỗi giá trị” được ngành nông nghiệp tổ chức ngày 24/5.

Người chăn nuôi ở huyện Thuận Nam di chuyển đàn bò chạy đồng tìm thức ăn, nước uống trong mùa hạn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc hơn 507.000 con; trong đó đàn bò hơn 112.000 con; đàn dê gần 138.000 con; đàn cừu hơn 160.000 con; đàn lợn hơn 92.000 con; còn lại là gia súc khác.

Hiện nay, không ít hộ chăn nuôi đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, quy mô hộ gia đình theo hướng bán công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 68 trang trại chăn nuôi, mỗi trang trang trại đều có tổng đàn hàng trăm con trở lên.

Nhận thức đặc trưng của vùng đất luôn xảy ra tình trạng khô hạn, người chăn nuôi ở Ninh Thuận đã biết chủ động diện tích trồng cỏ kết hợp với dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Từ đầu năm 2018 đến nay, hơn 1.200 ha cỏ đã được người chăn nuôi trồng, sản lượng cỏ hơn 163.000 tấn, đáp ứng hơn 31% nhu cầu thức ăn cho gia súc.

Ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chăn nuôi là thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh luôn xác định và phấn đấu phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa chính.

Theo đó, sẽ tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Việc chăn nuôi được chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại theo quy mô nhỏ và vừa; duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp.

Người chăn nuôi ở huyện Thuận Bắc chăn thả đàn cừu tại vùng có thức ăn, nước uống để tránh suy kiệt.

Bên cạnh đó xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, tổ chức thực hiện phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi theo VietGap.

Để mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu với chuyển giao luôn được Trung tâm Khuyến nông – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chú trọng.

Thời gian qua, việc nghiên cứu, khai thác hợp lý giống gốc có năng suất, chất lượng cao để chọn lọc đưa vào sản xuất gắn với hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới được thực hiện trong chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Tin, cho biết: Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi không những nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập mà còn thúc đẩy nghề chăn nuôi phát triển nhanh chóng.


Ông Phạm Minh Quang, ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam cho biết: Trước giờ gia đình ông chỉ chăn nuôi theo hướng quảng canh. Nếu thuận lợi thì chẳng lãi bao nhiêu, còn nếu xảy ra nắng hạn thiếu thức ăn, dịch bệnh phát sinh thì trắng tay. Được hỗ trợ, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với trồng cỏ, đảm bảo thức ăn, nước sạch cho gia súc uống nên sau mô hình nuôi thử nghiệm đã thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Theo ông Quang, sau quá trình nuôi thử nghiệm đối với cừu đực vỗ béo thì thấy lợi nhuận bình quân 200.000 đồng/con; với cừu nuôi sinh sản tỷ lệ đẻ và nuôi sống cao hơn. Riêng lứa vừa qua, phần nuôi vỗ béo 300 con cừu thịt, khi xuất bán và trừ đi các chi phí, lợi nhuận thu được 60 triệu đồng. Một năm nuôi ba lứa, thu được 180 triệu đồng.

Theo đánh giá của các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, nuôi theo phương thức bán công nghiệp, nuôi gia súc vỗ béo… không những tạo sự liên kết giữa các hộ nuôi trong việc cung cấp, hoán đổi con giống, hình thành cộng đồng nuôi cùng bảo vệ và chăm sóc gia súc an toàn mà còn gắn kết, cung cấp sản phẩm cho thị trường, tạo nên chuỗi liên kết cung – cầu phát triển khá ổn định và bền vững.

Để nghề chăn nuôi phát triển đúng hướng, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai, hình thành một số sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với chương trình Quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu như: Sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận; dê Ninh Thuận; lợn đen Bác Ái… Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là các chương trình, dự án, nguồn tín dụng để hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm khép kín; hỗ trợ thương lái, chủ lò giết mổ gia súc, các doanh nghiệp đầu tàu trong tiêu thụ sản phẩm để đầu tư vào chuỗi liên kết, thúc đẩy nghề chăn nuôi của tỉnh phát triển một cách bền vững...

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Ninh Thuận chủ động cứu gia súc trong mùa hạn
Ninh Thuận chủ động cứu gia súc trong mùa hạn

Gần 5 tháng nay, Ninh Thuận liên tục không có mưa, nắng hạn diễn ra gay gắt, cánh đồng khô khốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề chăn nuôi gia súc ở tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN