Đàn gia súc, gia cầm đã vượt ngưỡng

Làm thế nào để hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi, không lặp lại “điệp khúc” được mùa rớt giá hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường? Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với báo Tin Tức.

Ngoài những giải pháp tình thế mà chúng ta đang áp dụng để giải cứu thịt lợn cho người nông dân, về lâu dài Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để không lặp lại tình trạng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Đây là câu chuyện đã được bàn đến từ lâu, theo QĐ số 10 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/2/2008 định hướng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, cần có tổng kết trong năm 2017 để điều chỉnh cho phù hợp hơn. Cụ thể điều chỉnh lại quy mô, cơ cấu gắn với các phân khúc thị trường và giảm áp lực môi trường do chăn nuôi gây ra.


Theo đó, cần tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó đứng đầu là các doanh nghiệp - hợp tác xã; tổ hợp tác - hộ chăn nuôi hoặc doanh nghiệp - hộ chăn nuôi lớn, hộ trang trại vừa để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát được cung cầu thị trường.


Ngoài ra, các cơ quan cần nghiên cứu khảo sát thị trường và hoàn thiện hàng rào kỹ thuật thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh của Việt Nam sang các nước, đầu tiên là các nước trong khu vực và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm mà trong nước đã đáp ứng được.


Cạnh tranh hội nhập đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với ngành chăn nuôi lợn. Vậy ngành chăn nuôi đã có kế hoạch và lộ trình hội nhập như thế nào, thưa ông?


Trên 20 năm qua, ngành chăn nuôi liên tục tăng trưởng dương và ở mức độ cao, luôn tiệm cận với mức tăng GDP của kinh tế, đáp ứng đủ cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu có xuất khẩu.


Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới phải đáp ứng được 2 đòi hỏi. Thứ nhất là có hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. Vì ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm thì chăn nuôi còn góp phần lớn vào an sinh xã hội việc làm, thu nhập cho khu vực nông dân, nông thôn. Thứ hai là không gây hủy hoại môi trường, vì chăn nuôi thiếu kiểm soát cũng là trở ngại không nhỏ với môi trường.


Để đạt được những đòi hỏi nêu trên, ngành chăn nuôi cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, xác định một một vài sản phẩm chủ lực có lợi thế. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, trong đó đặc biệt phải gắn với thị trường, phát huy lợi thế so sánh để tạo ra các sản phẩm chủ lực, khác biệt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Trong quy hoạch không nên đặt mục tiêu về tăng quy mô đàn vì nhìn chung đàn gia súc, gia cầm của chúng ta đã vượt ngưỡng. Cần thay đổi cơ cấu chất lượng đàn vật nuôi và cơ cấu về phương thức chăn nuôi. Trong đó cần quan tâm đến phương thức chăn nuôi hữu cơ là xu thế của tiêu dùng thực phẩm và là thế mạnh của chăn nuôi nông hộ đặc thù của nước ta.


Ngoài ra, cần làm tốt công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, kết hợp áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành chăn nuôi là cách thức tốt nhất để tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi nước ta.


Xin cảm ơn ông!


H.V/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp tư nhân mở cửa hàng bình ổn giá hỗ trợ người chăn nuôi
Doanh nghiệp tư nhân mở cửa hàng bình ổn giá hỗ trợ người chăn nuôi

Cùng với các cửa hàng bán thịt lợn bình ổn giá tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh cũng đã bắt đầu mở các cửa hàng bán thịt lợn bình ổn giá để hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN