Người chăn nuôi muốn đẩy đàn lợn đi bằng mọi giá dù giá bán thấp kỷ lục

Phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp trước mắt giải cứu cho người chăn nuôi lợn là nội dung chủ yếu được đưa ra tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất chăn nuôi lợn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 5/5.

Hệ lụy của khủng hoảng thừa 

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 546 trang trại chăn nuôi lợn và gần 70.000 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, ước tổng đàn trên địa bàn đạt trên 1,04 triệu con, trong đó lợn nái khoảng 195.000 con, lợn thịt khoảng 843.000 con, còn lại là các đối tượng lợn khác. 

Riêng lợn thịt đạt trọng lượng xuất bán từ 100 kg trở lên, ước có khoảng 230.000-250.000 con (chiếm 27-30% đàn lợn thịt), trong khi tỷ lệ này bình thường dao động ở mức 22-23%. Hiện có trên 30.000 tấn thịt lợn hơi đang cần tiêu thụ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 12-15%. 

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, sản lượng thịt lợn hơi sản xuất ra trong tỉnh luôn cao gấp 2,5 lần so với nhu cầu trong tỉnh. Cụ thể, mỗi năm tỉnh Thái Bình sản xuất trên 200.000 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng, bình quân 2,7 lứa/năm. Mức độ sử dụng và tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh bình quân 45-50kg thịt lợn hơi/đầu người/năm. 

Người chăn nuôi lợn bị thua lỗ do giá bán lợn xuống thấp kỷ lục. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Với dân số khoảng 1,8 triệu người, nhu cầu trong tỉnh chỉ cần khoảng 77.000 đến 86.000 tấn thịt lợn hơi; khoảng 115.000-125.000 tấn thịt lợn hơi bán ra thị trường ngoài tỉnh (chiếm 57-62,5% tổng sản lượng thịt lợn hơi), việc xuất khẩu cũng chủ yếu là con đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. 

Cung vượt quá cầu đã dẫn đến khủng hoảng thừa, điển hình là đợt giảm giá mạnh từ tháng 10/2016 đến nay. Đối với người chăn nuôi tỉnh Thái Bình, đây là kỳ rớt giá thảm hại nhất trong nhiều năm qua, giá giảm sâu nhất với giá 18.000-20.000 đồng/kg, đối với lợn có trọng lượng 80-100kg/con có giá cao hơn 22.000 - 23.000 đồng/kg. 

So với thời điểm cùng kỳ năm 2016, giá bán thịt lợn hơi đã giảm từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi con lợn thịt người chăn nuôi đang phải chịu lỗ 1,5 - 2 triệu đồng. 

Với tình hình khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đang “tự giải cứu” mình, tuy nhiên với các trại chăn nuôi lợn nái sinh sản số lượng 50-70 con/trại trở lên cũng đang loay hoay do không bán được lợn giống. 

Nhiều giải pháp "giải cứu" chăn nuôi

Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay. Theo đó, hiện nay người chăn nuôi vẫn tập trung vào khâu sản xuất, chưa chú ý đến nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là xem xét yếu tố thị trường trong tiêu thụ sản phẩm. Tổng đàn lợn chủ yếu tăng ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa sẽ khó để kết nối thị trường tiêu thụ. 

Ông Quách Thước, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng, Thái Bình là một trong 5 tỉnh có tổng đàn lợn lớn nhất miền Bắc. Hiện nay tâm lý của người chăn nuôi là “đẩy” được đàn lợn nuôi đi bằng mọi giá, chưa nói đến hiệu quả. 

Mặt khác, cần nhìn nhận thực tế tại tỉnh Thái Bình tồn tại nhiều năm nay, khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất giá trị chăn nuôi của tỉnh là giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi. 

Quy trình chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ và giám sát chất lượng các sản phẩm từ thịt lợn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy người chăn nuôi “tự trói chân” mình khi không thể xâm nhập vào các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho rằng, ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi nhằm hạ giá thành sản xuất, tránh không để việc chăm sóc ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của đàn nái sau này. 

Người chăn nuôi nên chủ động chọn lọc, giữ lại những con nái có năng suất, chất lượng, loại thải nái kém chất lượng, không để xảy ra hiện tượng thiếu giống tốt để tái đàn sau “bão giá”. 

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình nhấn mạnh giải pháp lâu dài cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới trên địa bàn, phù hợp với điều kiện thực tế. Chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm, chăn nuôi không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh. 

Tỉnh khuyến khích phát triển các giống cao sản, đặc sản phục vụ các phân khúc thị trường khác nhau. Tỉnh Thái Bình phấn đấu duy trì tổng đàn lợn đạt 1 triệu con, tuy nhiên cũng cần có phương án cụ thể, tránh giảm đột ngột tổng đàn. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, các ngành chức năng liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc gỡ khó cho người chăn nuôi lợn hiện nay. 

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình sớm chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiên cứu tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ, hạ lãi suất tiền vay cho các hộ chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… 

Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi mọi người dân chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Thu Hoài (TTXVN)
Biện pháp lâu dài 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn
Biện pháp lâu dài 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp kỹ thuật, quản lý để giảm giá thành thịt lợn ngang với các nước trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN