Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường, tìm đến các thị trường mới tiềm năng và linh hoạt ứng phó với những khó khăn ngắn hạn.
Xuất khẩu gạo được xem là một trong những điểm sáng và là động lực hướng tới của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, lượng xuất khẩu gạo năm 2023 ít nhất đạt ngang bằng với năm 2022, tức là hơn 7,1 triệu tấn gạo. Với nguồn cung dồi dào, lượng gạo xuất khẩu cả nước tối đa dự kiến năm nay sẽ vào khoảng 7,5 triệu tấn.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng từng dự báo về lượng xuất khẩu gạo trong năm nay và theo đó, sản lượng thóc dự kiến đạt 43 triệu tấn. Nguồn cung dành cho xuất khẩu trên 15,1 triệu tấn lúa, tương đương với trên 7,5 triệu tấn gạo. Nếu được như dự báo, dư địa xuất khẩu gạo trong quý IV/2023 sẽ còn khoảng 1,1 triệu tấn.
Ông Đôn chia sẻ, tại thời điểm này chỉ có các doanh nghiệp còn hàng có thể có cơ hội từ thị trường xuất khẩu. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 nhiều khả năng vượt 4 tỷ USD nhưng khó chạm tới con số 5 tỷ USD. Năm nay, nông dân được lợi về giá gạo nhưng chi phí vốn lớn, lãi suất cao lại khiến nhiều doanh nghiệp không lãi nhiều.
Bình luận về cơ hội xuất khẩu thời điểm này, bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương cho hay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với tỷ lệ tự do hóa thuế quan trên 90% trong vòng 7 năm là một trong những hiệp định tiêu chuẩn cao. Mặc dù đối mặt với khủng hoảng toàn cầu và đại dịch COVID-19 phức tạp nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đạt trên 14%. Tỷ lệ hưởng lợi từ EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt trên 40%.
Để nắm bắt cơ hội từ hiệp định này, các doanh nghiệp chủ động thực hiện chiến lược dài hạn thông qua việc đào tạo nhân sự nắm rõ về các tiêu chuẩn xanh và bền vững; tập trung gia tăng giá trị sản phẩm thông qua quá trình nghiên cứu, phát triển, kiểm tra sản phẩm để đảm bảo chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn xanh. Cùng với đó, xây dựng quy trình sản xuất rõ ràng và có hệ thống, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường và xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.
Còn tại thị trường Trung Quốc, đây là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Khi được xuất chính ngạch, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh, giúp sản phẩm Việt Nam kỳ vọng có chỗ đứng ở thị trường này. CEO Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nay có thể đạt kim ngạch 2 tỷ USD. Các container sầu riêng của Vina T&T qua nước này vẫn khá thuận lợi, nhưng ngành rau quả vẫn còn những khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi thanh long, bưởi, nhãn của Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa và hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế về chất lượng.
So với Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, thì Việt Nam là nước láng giềng có đường biên giới giáp Trung Quốc, thuận lợi cho xuất khẩu đường bộ và đường biển với chi phí thấp hơn nhiều. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Tùng khuyến nghị, doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng để hàng Việt không bị mất thị phần tại thị trường này.
"Nếu biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng và sản xuất hàng đúng vào các mùa cao điểm tiêu thụ của Trung Quốc như Trung thu, Quốc khánh, Tết Nguyên đán... thì rau quả Việt có thể thắng lớn ở thị trường Trung Quốc", ông Nguyễn Đình Tùng bày tỏ.
Để có thể thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ hơn, đồng thời duy trì thặng dư thương mại bền vững, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin thị trường cho các doanh nghiệp. Theo đó, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín; trong đó, có hoạt động công bố danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam.
Cùng đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel, đẩy nhanh đàm phán ký kết FTA với các thị trường tiềm năng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hay Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur).
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu...
Ngoài ra, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo; cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi tới vụ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thách thức có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thúc đẩy xuất khẩu là một trong ba trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng - đầu tư và xuất khẩu, chính là giải pháp có tính khả thi cao giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.