Gánh nặng thuế chồng thuế
Những ngày gần đây, nhiều tiểu thương kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh được các chi cục thuế địa phương mời lên họp phổ biến cách tính thuế mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, đa số tiểu thương đều không đồng tình với cách tính mới này của ngành thuế, bởi họ cho rằng cách tính này đang tạo thêm gánh nặng thuế chồng thuế cho họ.
Chị N. K. A, tiểu thương tại chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5), bức xúc cho biết: "Việc kinh doanh dạo này rất ế ẩm, ngồi cả ngày mà chỉ có vài khách ghé mua hàng. Vừa rồi chi cục thuế quận đến phổ biến cách tính thuế mới khiến ai cũng lo lắng “đứng ngồi không yên”. Với quầy sạp hơn 1m2 tôi đang phải nộp mức thuế hàng tháng hơn 8 triệu đồng, chưa kể còn tiền thuê mặt bằng, nhân viên, điện, nước... Nếu theo cách tính thuế mới thì ngoài khoản 8 triệu đồng, tôi sẽ phải đóng thêm thuế nếu xuất hoá đơn, như vậy khác nào chúng tôi phải chịu thuế chồng thuế (thuế khoán cho hoạt động kinh doanh và thuế kinh doanh thực tế)".
Nhiều tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5) lo lắng với cách tính thuế mới |
“Mỗi ngày, chúng tôi mất gần 2 triệu đồng tiền chi phí các loại cho sạp bán vải tại chợ này. Nếu tính thuế khoán hàng tháng tôi sẽ phải đóng 10 triệu tiền thuế và khi xuất hoá đơn tới 500 triệu đồng/tháng sẽ không bị nộp thêm tiền. Nhưng nếu chiếu theo cách tính mới áp dụng từ ngày 1/1/2016 thì chỉ cần xuất hoá đơn là chúng tôi đóng thêm 1,5%/doanh thu theo hoá đơn. Tình hình này làm chúng tôi không biết kinh doanh kiểu gì để sống. Khi việc kinh doanh đang phải cạnh tranh rất gay gắt, hàng hóa ế ẩm, ngày nào cũng phải bỏ vốn lớn nhưng lãi không được bao nhiêu", chị H.T.H - chủ sạp Hoa Dũng tại chợ vải Soái Kình Lâm, phân trần.
“Trong tình hình buôn bán ế ẩm như hiện nay, thiết nghĩ ngành thuế nên xem xét để giảm thuế cho các tiểu thương, hoặc nếu không cũng giữ mức cũ để chúng tôi yên tâm làm ăn. Chứ hàng năm mỗi tăng một loại thuế, e rằng chúng tôi sẽ không kham nổi”, chị Mai Hoa, chủ sạp vải tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cũng cho hay.
Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 50.000 hộ kinh doanh đang sử dụng mức thuế khoán, nếu áp dụng cách tính thuế mới sẽ tác động không nhỏ đến các tiểu thương này.
“Ngại” lập doanh nghiệp
Sau cuộc gặp gỡ phổ biến cách tính thuế của địa phương, nhiều tiểu thương cũng đã kiến nghị lên các chi cục thuế địa phương để có ý kiến đến Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Thuế xem xét lại cách tính thuế cho phù hợp với khả năng kinh doanh của tiểu thương.
Tuy nhiên, theo lí giải của Bộ Tài chính, cách tính thuế mới thì tiểu thương không phải chịu thuế chồng thuế, bởi thuế khoán chỉ tính trên doanh thu không sử dụng hoá đơn. Nếu tiểu thương sử dụng hoá đơn thì mới tính thuế. Vì vậy, để không phải đóng thuế các hộ kinh doanh nên chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH để được kê khai thuế.
Tiêu thương "đứng ngồi không yên" với cách tính thuế mới vào năm 2016. |
Đề cập đến việc thành lập doanh nghiệp, đa số các tiểu thương đều ngao ngán. "Khi lập doanh nghiệp chắc chắn sổ sách, giấy tờ thu, chi rất phức tạp, mà tôi kinh doanh đến nay đã hơn 20 năm theo kiểu cha truyền con nối, không nhiều chữ nghĩa nên rất ngại thành lập doanh nghiệp. Mặt khác, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ coi thuế như một khoản chi phí phát sinh khi có khả năng thu lãi với mức thuế đó thì chúng tôi mới dám kinh doanh, còn không có bảo cũng không ai dám làm", chị H. K.A, tiểu thương chợ Soái Kình Lâm, cho hay.
Còn chị M.O, tiểu thương sạp 32 chợ vải Soái Kình Lâm, cũng cho rằng chị không muốn thành lập doanh nghiệp mà chỉ đang chờ xem cơ quan thuế xem xét giải quyết ý kiến của các tiểu thương ra sao. "Bao đời nay, chúng tôi chỉ quen kinh doanh với kiểu thuế khoán chứ đâu có quen với kế toán, báo cáo thuế là cái gì. Nếu không biết mà làm sai có khi lại bị phạt nặng hơn nhiều", chị cho biết.
Đứng trước nguy cơ bị tăng tiền thuế và cũng không thể thành lập doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang rất lo lắng và kiến nghị ngành thuế nên xem xét lại cách tính thuế mới. Theo đó, khi tính thuế mới, ngành thuế nên hướng tới việc cắt giảm bớt gánh nặng thuế chồng thuế cho tiểu thương trong tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay.