Tiếp "nhiên liệu" cho nông dân trên con đường làm kinh tế
Nắm bắt thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của địa phương, gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ (huyện Trực Ninh) đấu thầu hơn 4.000 m2 đất ruộng trũng ven đê của xã, cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản từ năm 2008. Hiện nay, gia đình ông chăn nuôi chủ yếu là cá chạch và ếch. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thả 2 vụ giống, mỗi vụ 50.000 con cá chạch và 14.000 con ếch; cho thu hoạch sau 4 tháng với cá chạch, 3 tháng với ếch. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tấn cá chạch và gần 3 tấn ếch, sau khi trừ chi phí, bình quân thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Với mong muốn đầu tư thiết bị, thức ăn chăn nuôi, tiến tới chăn nuôi kết hợp chế biến sản phẩm, cuối năm 2023, ông Minh được Hội Nông dân huyện Trực Ninh hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với mức 50 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ, từ nguồn vốn vay do Hội Nông dân hỗ trợ, gia đình ông đã đầu tư thêm thức ăn chăn nuôi, mở rộng diện tích ao nuôi ếch phục vụ thị trường. Theo ông Minh, đối với nông dân, việc được hỗ trợ vay vốn như được tiếp thêm “nhiên liệu” trên con đường làm kinh tế. Do đó, ông cũng như nhiều hộ dân mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay nhiều hơn, ưu đãi và đa kênh hơn để có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định duy trì thực hiện hoạt động tín chấp và nhận ủy thác từ các ngân hàng. Hiện, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Định và Bắc Nam Định là trên 13.100 tỷ đồng, với trên 36.600 hội viên nông dân vay vốn. Nam Định cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về tín chấp cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân các cấp nhận ủy thác cho gần 38.350 hộ, vay hơn 1.700 tỷ đồng.
Ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, Hội Nông dân đều có Quỹ hỗ trợ nông dân, 209 cơ sở Hội thành lập Ban Vận động Quỹ hỗ trợ nông dân. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý trên 38 tỷ đồng cho 315 dự án vay vốn với trên 1.500 hộ vay. Trong 10 tháng của năm 2024, các cấp Hội tiếp tục thực hiện việc cho vay thông qua các dự án thuộc các tổ hợp tác hoặc chi hội nghề nghiệp, đồng thời vận động tăng trưởng được 1,8 tỷ đồng.
Giúp nông dân nắm bắt khoa học, công nghệ
Khoảng 7 năm trước, bà Đào Thị Hà, hội viên Hội Nông dân phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định quyết định phát triển kinh tế gia đình bằng việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.
Xác định trồng nấm đông trùng hạ thảo yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao, cùng với việc kiên trì, tích cực học hỏi của bản thân, bà Hà được các cấp Hội Nông dân quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng nấm đông trùng hạ thảo cũng như việc vận hành thiết bị công nghệ, sử dụng điện thoại thông minh và các phần mềm quản lý sản xuất, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử…
Từ kiến thức học được, bà đầu tư khu trồng nấm hơn 100m2 với máy móc hiện đại, sản xuất sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa. Cứ 3 tháng, bà thu hoạch 1 đợt với sản lượng khoảng 10kg nấm khô. Hằng năm, sau trừ chi phí, bà thu về khoảng 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho từ 4 – 6 lao động với mức lương ổn định.
Bà Hà cho biết, ngày nay, khoa học, kỹ thuật có vai trò quan trọng đối với việc phát triển sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, bản thân bà mong muốn được tham gia nhiều lớp chuyển giao khoa học hơn nữa, đặc biệt là các lớp tập huấn về bán hàng, xúc tiến thương mại điện tử.
Nắm bắt nhu cầu của hội viên nông dân nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động, tổ chức các lớp tuyên truyền về quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; mời các chuyên gia, các nhà khoa học truyền đạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả đã và đang được triển khai trên cả nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho trên 7.800 lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng cho gần 2.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.
Toàn tỉnh đã thành lập mới được 4 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, 28 chi hội và 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 196 tổ hợp tác, 40 chi hội nông dân nghề nghiệp, 145 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Các cấp Hội vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng 459 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích trên 21.000ha, trong đó có 4.000ha được bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, các cấp Hội phối hợp với Bưu điện hướng dẫn hội viên lập tài khoản giao dịch, xác định lượng hàng đủ lớn, đủ tiêu chuẩn để đưa lên sàn giao dịch điện tử. Trong 10 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có gần 6.300 tài khoản của hội viên nông dân được kích hoạt, với khoảng 350 sản phẩm nông sản lên sàn...
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay, kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, nhiều hộ dân có hàng hóa chưa đủ lớn, chưa thành vùng hàng hóa để có thể đưa lên sàn thương mại điện tử. Mặt khác, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều rào cản.
Để từng bước hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để thay đổi tư duy và nâng cao kiến thức cho nông dân, người sản xuất nông nghiệp về chuyển đổi số; quan tâm ưu tiên các mô hình sản xuất kinh tế tập thể, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi số để nông dân học hỏi.
Các cấp Hội hướng dẫn hội viên bán sát chủ trương của địa phương nhằm quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có chất lượng, đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có sản lượng đủ lớn để đưa lên sàn giao dịch điện tử; đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân với lãi suất ưu đãi để ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất...