Gia tăng chuỗi giá trị từ hoạt động sản xuất trên đất trồng lúa
Báo cáo tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, dự thảo Nghị định đã rà soát, bổ sung các khái niệm, định nghĩa: “năng suất cao”, “khu vực diện tích đất trồng lúa được xây dựng công trình phải liền khoảnh, liền thửa”, “công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp”... theo hướng rõ ràng và minh bạch hơn.
Về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin, UBND cấp tỉnh căn cứ các điều kiện, quy định cụ thể về diện tích, vị trí, mục đích sử dụng của công trình phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và thực hiện việc quản lý nhà nước về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa. Quy định diện tích trồng lúa được phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải có diện tích tối thiểu là 50 ha nhằm thúc đẩy tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Quy định về chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ hiện đại phục vụ trực tiếp vùng quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao, đã làm rõ quy mô, đối tượng đầu tư, hỗ trợ đầu tư, định mức hỗ trợ đầu tư. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung lựa chọn: Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã - đối tượng trung tâm, nòng cốt, động lực, là đầu kéo cho phát triển bền vững cho vùng đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao.
Nội dung hỗ trợ gồm các dự án cụ thể và có tính cốt lõi, có vai trò động lực, là đòn bẩy để đề xuất đầu tư, hỗ trợ đầu tư nhằm tăng giá trị gia tăng với sản xuất lúa, tác động làm thay đổi cơ bản đời sống, thu nhập người dân, thay đổi chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trong điều kiện hiện nay, từ đó góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất lúa, gạo, hạn chế chuyển đổi mục đích đất trồng lúa.
Quy định diện tích tối thiểu với các dự án sản xuất được hưởng đầu tư, hỗ trợ đầu tư là 500 ha; quy định mức giá trị dự án tối thiểu để được hưởng các chính sách và giá trị tối thiểu được hỗ trợ với các dự án khoa học công nghệ, chế biến, kho chứa là 30 tỷ đồng.
Tạo sự khác biệt cho vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và đại diện Bộ Xây dựng đề nghị, Cơ quan soạn thảo bổ sung các tiêu chí để "không làm mất đi điều kiện trồng lúa" khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc khi xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; làm rõ diện tích xây dựng tối đa, cấp công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Cơ quan soạn thảo cần xem xét quy định tỷ lệ hỗ trợ phù hợp cho các loại đối tượng sử dụng đất lúa khác nhau (người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã); cơ chế quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cho các công trình hạ tầng do nhà nước hỗ trợ đầu tư toàn bộ; bảo đảm không chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật khác liên quan đến xác định loại doanh nghiệp sản xuất trên đất trồng lúa được hưởng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung thảo luận, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ nguyên tắc xác định, phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương) dành cho địa phương sản xuất lúa; các vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quy định cụ thể danh mục công trình phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại nông nghiệp được xây dựng trên đất lúa.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định rõ tiêu chí những công trình hạ tầng kỹ thuật nhà nước đầu tư 100%; dự án, chương trình hỗ trợ kinh phí một phần cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng lúa để gia tăng chuỗi giá trị từ hoạt động sản xuất trên đất trồng lúa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngoài kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho đất chuyên trồng lúa, phải tạo sự khác biệt, mang tính đột phá cho vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao với nguồn lực đầu tư tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như: Kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông đầu mối; nghiên cứu về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; áp dụng quy trình khoa học công nghệ; thu hoạch, bảo quản, chế biến…".
Nghị định phải quy định rõ các trường hợp Nhà nước đầu tư một phần hay toàn bộ từ nguồn vốn đầu tư công, hoặc sử dụng kinh phí chi thường xuyên khi hỗ trợ người sử dụng đất trồng lúa (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp), các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để bảo đảm sự thống nhất về từ ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản; văn bản phù hợp, tương thích với các cam kết, hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.