Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn số liệu của Viện nghiên cứu chính sách công (IRPP) cho thấy năng suất cây cải dầu (canola), sản phẩm đặc thù của Canada, đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua, trong khi trọng lượng thịt gia súc và lợn tăng khoảng 40% nhờ áp dụng công nghệ và phát triển các giống tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Canada đang đóng góp vai trò quan trọng trong mục tiêu an ninh lương thực của thế giới và cũng là quốc gia đi đầu về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Viện nông nghiệp và thực phẩm thuộc Đại học Fraser, bà Lenore Newman, cho biết Canada đang đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, trong đó có công nghệ gene, giúp tạo ra hệ động, thực vật phong phú hơn, giàu dinh dưỡng hơn và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Những cải tiến về di truyền và chăn nuôi, kết hợp với việc quản lý vòng đời sản phẩm chặt chẽ hơn, đã mang lại hiệu quả trong sản xuất thịt bò ở Canada, giúp giảm 14% lượng CO2 trên mỗi cân hơi. Việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm được kỳ vọng sẽ cho phép tối ưu hóa kỹ thuật và giúp giải quyết các mối quan tâm của xã hội trong các lĩnh vực này.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư Peter Phillips của Đại học Saskatchewan cho biết Canada đã tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng cây trồng. Dây chuyền sản xuất các loại nông sản như đậu lăng, lúa mỳ, thịt đỏ, gia súc... của Canada phục vụ trong nước và xuất khẩu đều có sự tham gia của công nghệ.
Canada có lợi thế cạnh tranh trong đảm bảo an ninh lương thực và là nhà cung cấp chính về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho thế giới. Nước này cũng có lĩnh vực viễn thông tiên tiến và là quốc gia sớm đổi mới cũng như áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận mà nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ đang hy vọng sẽ tận dụng được tiềm năng này.
Giáo sư Phillips cho rằng các công nghệ và dịch vụ mới đang mang lại tiềm năng tăng sản lượng lương thực, cắt giảm chi phí và lượng khí thải carbon, đồng thời cải thiện được an toàn thực phẩm. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó vừa tạo cơ hội cho những người tham gia trao đổi thông tin, vừa hỗ trợ các nhà cung cấp công nghệ trong nước và mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp trên thế giới.
Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Canada trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, bà Newman cho biết thực tế trường Fraser đang tìm kiếm các quan hệ đối tác ở Việt Nam do Canada là quốc gia ở bờ Tây Thái Bình Dương và có rất nhiều điều có thể triển khai trong phạm vi ảnh hưởng ở khu vực này, đặc biệt là về trao đổi và chuyển giao công nghệ. Việc trao đổi và học hỏi lẫn nhau nhằm thu thập thêm kiến thức chuyên môn về các loại hình nông nghiệp khác nhau là điều tích cực, giúp xây dựng thêm hệ sinh thái Vành đai Thái Bình Dương về công nghệ nông nghiệp cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Những năm qua, Việt Nam và Canada rất chú trọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để cùng đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu và đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm. Chính phủ Canada đã tài trợ dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" và dự án "Cộng đồng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu" cho Việt Nam, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Kể từ khi thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giá trị xuất, nhập khẩu nông sản giữa hai nước đã tăng từ 623 triệu USD (năm 2017) lên hơn 1 tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
Giám đốc điều hành của Viện chính sách nông nghiệp thực phẩm Canada, Tyler McCann, nhận xét Canada và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để hợp tác bởi mối quan hệ tốt đẹp về thương mại giữa hai bên và lĩnh vực nông nghiệp là một phần quan trọng trong đó. Việt Nam là một quốc gia đáng quan tâm, là trung tâm của khu vực về một số lĩnh vực trong nông nghiệp. Việc hợp tác với Việt Nam có thể giúp Canada tiếp cận thị trường khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nông nghiệp nên được coi là vấn đề hợp tác hàng đầu bởi không chỉ liên quan tới quan hệ thương mại, mà còn liên quan tới cả trao đổi học thuật và chuyên môn.