Hội nghị Collision trực tuyến năm nay (kéo dài trong ba ngày, từ 23-25/6) có tên là “2020 Collision From Home”, thu hút sự tham gia của hơn 32.000 người từ hơn 140 quốc gia.
Hơn 600 diễn giả, trong đó có sự góp mặt của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus… sẽ đề cập đến một loạt chủ đề, từ công nghệ và truyền thông kỹ thuật số, tới âm nhạc, chính trị và văn hóa. Có 25 doanh nghiệp Việt Nam tham gia 2020 Collision From Home, là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, cùng một số trường Đại học…
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Femi Oloruntoba - đồng Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam nhận định, trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam và Canada có tiềm năng hợp tác trên ba khía cạnh.
Thứ nhất, chia sẻ nguồn vốn con người trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ chủ chốt. Thứ hai, xây dựng liên minh chiến lược với các tổ chức tư nhân, các start-up hoặc các trường đại học để phát triển công nghệ mới hoặc cải tiến công nghệ hiện hành. Thứ ba, Việt Nam và Canada có thể chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực để hướng tới một mục tiêu chung.
Kể từ khi Việt Nam và Canada bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 tới khi cả hai nước cùng tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nơi khoa học và công nghệ đóng vai trò chủ chốt, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã đạt xấp xỉ 8 tỷ CAD (khoảng 6 tỷ USD) trong năm 2019. Ông Femi Oloruntoba cho rằng mối quan hệ này đã đặt nền móng vững chắc để hai nước hợp tác trong những sáng kiến về công nghệ, nhưng cũng đòi hỏi cam kết từ các bên tham gia.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phương, Giám đốc điều hành FPT Canada chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Canada hiện là một cường quốc công nghệ thông tin và có một mạng lưới rất lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực này. Vừa qua, FPT đã ký kết hợp tác toàn diện với MILA, viện nghiên cứu công nghệ AI hàng đầu thế giới. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể hợp tác đào tạo, chuyển giao nhiều công nghệ quan trọng với các viện, trường tại Canada. Trong hướng ngược lại, tuy Canada có một nền khoa học, công nghệ thông tin tiên tiến, nhưng đang rất thiếu các kỹ sư trong lĩnh vực này để có thể tham gia vào các chương trình, dự án của chính phủ cũng như các doanh nghiệp. Các lĩnh vực đang được quan tâm nhiều hiện nay đều liên quan đến chuyển đổi số, ví dụ như tự động hoá các tác vụ thủ công, ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả của quy trình kinh doanh. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia”.
Bà Julie Nguyen, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam cho biết, là một tổ chức phi lợi nhuận đã đi vào hoạt động được 10 năm nay, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam đã tích cực xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Canada và Việt Nam, phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu thị trường Việt Nam và kết nối các doanh nghiệp hai nước. Năm nay, trong tình hình dịch bệnh, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam vẫn nỗ lực kết nối một đoàn gồm 25 doanh nghiệp Việt Nam và một số cơ quan thuộc lĩnh vực công nghệ/thương mại tham dự Hội nghị Collision From Home.