Tiềm năng hợp tác logistics hàng không giữa Việt Nam và Nam Phi

Ngành logistics, đặc biệt là logistics hàng không, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Nam Phi. Trong khi đó, tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam làm việc với đại diện Hãng hàng không Airlink, Nam Phi. Ảnh: Hồng Minh/PV TTXVN tại Nam Phi

Tại Việt Nam, logistics là xương sống của thương mại quốc tế, trong đó, logistics hàng không đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không có giá trị lên tới hơn 25% tổng giá trị do đặc thù chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như thời trang, điện thoại, thiết bị điện tử, hàng tươi sống, hàng mẫu hay phục vụ các chuỗi cung ứng just-in-time (Đúng sản phẩm – đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết).

Nhằm mở rộng cơ hội hợp tác logistics hàng không giữa hai nước, trong các buổi làm việc gần đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam đã có các cuộc thảo luận với các hãng hàng không Nam Phi như Airlink, South African Airways, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và logistics.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam làm việc với đại diện Hãng hàng không South African Airways, Nam Phi. Ảnh: Hồng Minh/PV TTXVN tại Nam Phi

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Phi tại buổi làm việc, ông De Villiers Engelbrecht, Giám đốc tài chính hãng hàng không Airlink, Nam Phi, nhận định một trong những trở ngại lớn nhất giữa Việt Nam và Nam Phi hiện nay là việc chưa có đường bay kết nối trực tiếp giữa hai nước. Theo ông, đây cũng là cơ hội quan trọng để các hãng hàng không hai bên hợp tác, đặc biệt là việc Airlink – đơn vị chuyên kết nối vận chuyển hàng hóa, nông sản tươi và công nghệ giữa các nước miền Nam châu Phi – có thể phối hợp với một hãng hàng không Việt Nam nhằm thiết lập tuyến bay kết nối hành khách và hàng hóa giữa hai quốc gia.  

Ông Engelbrecht cho rằng nhu cầu thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi là rất lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng như nông sản tươi và công nghệ. Việc thiết lập quan hệ đối tác giữa các hãng hàng không sẽ giúp tận dụng tiềm năng hợp tác này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để thuyết phục các đối tác có đủ lý do để khai thác đường bay tới Nam Phi.  

Theo ông, lợi thế lớn nhất của Nam Phi trong vấn đề này là sân bay Johannesburg – cửa ngõ quan trọng giúp kết nối không chỉ với thị trường Nam Phi mà còn với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Phi. Đây có thể là yếu tố quan trọng giúp thu hút sự quan tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong việc mở đường bay tới Nam Phi trong tương lai.

Các chuyên gia nhận định với vị trí địa lý của Nam Phi và Việt Nam, cơ hội hợp tác hàng không và logistics không chỉ giới hạn giữa hai nước mà còn có thể mở rộng sang các quốc gia châu Phi khác.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, Nam Phi có nhiều lợi thế trong phát triển vận tải hàng không, với mạng lưới hàng không rộng khắp trên toàn cầu. Ông Đỗ Xuân Quang cho biết hai nước có tiềm năng rất lớn trong hợp tác vận tải hàng hóa, thương mại, du lịch và Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng này.

Theo ông Quang, để thúc đẩy du lịch và gia tăng lượng du khách Việt Nam đến Nam Phi, điều quan trọng trước tiên là cần thiết lập đường bay trực tiếp giữa hai nước. Ông cho rằng khi ngành hàng không phát triển trước một bước, các lĩnh vực khác như du lịch, thương mại, logistics và phân phối cũng sẽ có điều kiện thuận lợi để mở rộng theo.

Với vị trí chiến lược của Nam Phi, quốc gia này được xem là cửa ngõ quan trọng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Phi. Việc hợp tác logistics hàng không giữa hai nước không chỉ mang lại lợi ích song phương mà còn góp phần kết nối các khu vực khác trên thế giới.

Các hãng hàng không Nam Phi kỳ vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam và Nam Phi sẽ đạt được nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng, mở rộng đường bay và tạo ra những cơ hội hợp tác đầu tư đầy tiềm năng giữa hai nước.

Hồng Minh - Hoàng Minh (TTXVN)
Logistics Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên mới
Logistics Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên mới

Hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics, Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN