Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, thì cũng tồn tại nhiều vấn đề như hàng giả, hàng kém chất lượng... chưa kiểm soát được và người tiêu dùng lãnh đủ. Để hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, đưa vào vận hành chính thức website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội”, nhất là sẽ công khai các trang điện tử bán hàng giả.
Hơn 60% doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, 5 năm qua, Hà Nội liên tục là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Năm 2017, kinh doanh từ thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội ước đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 2% so với năm 2016). Lũy kế đến thời điểm tháng 6/2018, trên địa bàn Hà Nội có 7.726 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đã đăng ký hoạt động.
Kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có 61% số doanh nghiệp đã ứng dụng kinh doanh trên các mạng xã hội vì đây là xu hướng kinh doanh hiệu quả, tiện lợi, dễ ghi nhận phản hồi của khách hàng với mức chi phí thấp; 37% số doanh nghiệp cho biết doanh thu từ thương mại điện tử chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp; 16% số doanh nghiệp đạt 50% doanh thu trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, năm 2018 Sở đã đưa vào vận hành chính thức website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” có địa chỉ: http://bandomuasam.hanoi.gov.vn nhằm cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, vị trí mạng lưới máy bán hàng tự động... có uy tín trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phát triển thương mại điện tử trong các lĩnh vực, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ứng dụng thuế điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Ngoài ra, Hà Nội còn khuyến khích doanh nghiệp thành lập các website/ứng dụng thương mại điện tử chuyên ngành kinh doanh nông sản, thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.
Cần công khai website bán hàng giả
Bên cạnh những mặt tiện ích do thương mại điện tử đem lại như doanh nghiệp tiêu thụ nhiều sản phẩm với kinh phí thấp, tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng nó cũng đem lại không ít phiền toái "dở khóc dở cười" cho người tiêu dùng. Đó là có những cá nhân vì lợi nhuận đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Chị Đỗ Quyên, một "tín đồ" mua hàng online chia sẻ, thấy một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook quảng cáo "Giảm giá 50% cho tất cả các nhãn hàng" nên chị đã đặt mua mỹ phẩm với giá gần 900.000 đồng.
Tuy nhiên, khi nhận hàng mới phát hiện sản phẩm không có tem chống hàng giả và các đặc điểm nhận dạng sản phẩm đều khác hàng xịn. Liên hệ với chủ hàng thì không thể kết nối. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng qua Facebook như chị Nhung hiện không còn là chuyện hiếm. Hầu như ngày nào trên các diễn đàn mạng cũng xuất hiện các bài viết tố, "bóc phốt" các cửa hàng trên Facebook bán hàng giả, kém chất lượng.
Trong khi đó, theo quy định Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Nhưng thực tế nhiều sàn thương mại điện tử không tuân thủ về pháp luật trong hoạt động của mình. Theo đó, khoản 3 Điều 36 của Nghị định 52 yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn.
Theo đó, nội dung đăng ký gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. Ngoài ra, pháp luật yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.
Như vậy, một số sàn thương mại điện tử hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp đăng ký kinh doanh là sai luật. Chính điều này đã khiến cho người kinh doanh có thể thoải mái buôn bán các mặt hàng do mình đăng tải trên sàn thương mại điện tử mà không bị “gò bó” hay lo sợ kiểm soát”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng chia sẻ, khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc và hàng giả, hàng nhái...
Việc phát hiện, quản lý, xử lý những trường hợp này hết sức khó khăn, bởi các giao dịch mà sản phẩm là hàng giả, hàng nhái thường không có hóa đơn, chứng từ.... Nhiều website, tài khoản giao dịch trên mạng xã hội chỉ là địa chỉ ảo, nên khó kiểm soát, xử lý khi có sai phạm. Đây chính là vấn đề mà rất nhiều người tiêu dùng lo ngại khi sử dụng thương mại điện tử.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử. Qua kiểm tra lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử với số tiền 3,4 tỷ đồng.
Để quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử ứng dụng trên thiết bị di động; đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Với các trường hợp vi phạm, Bộ Công Thương sẽ công khai tên website thương mại điện tử, tên và thông tin của thương nhân, tổ chức sở hữu website, ứng dụng di động có các hành vi vi phạm.