Thương lái đến tận vườn thu mua bắp chuối trở lại ở Kiên Giang

Hiện nay, ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) người trồng chuối xiêm vui mừng khi có thương lái đến tận vườn thu mua, ngược lại người trồng gừng không chỉ bị giá rớt mà còn thiệt hại do thối củ.

Chú thích ảnh
Người trồng chuối xiêm vui mừng khi có thương lái đến tận vườn thu mua.

Toàn huyện U Minh Thượng có khoảng 2.600 ha diện tích trồng chuối xiêm, tập trung ở hai xã vùng đệm An Minh Bắc, Minh Thuận. Trong những tháng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch, việc thu mua bắp chuối tại huyện U Minh Thượng bị đứt gãy.

Theo ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, những ngày giãn cách, tại xã An Minh Bắc và Minh Thuận không có thương lái vào thu mua bắp chuối. Bắp chuối được nông dân thu hoạch tặng cho các bếp ăn từ thiện hàng chục tấn. Khoảng hơn nửa tháng nay, thương lái bắt đầu thu mua bắp chuối. Giá bắp chuối thương lái vào mua tại vườn từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, thấp hơn so với trước khi dịch bùng phát, trước đây giá bắp chuối tầm 7.000 đồng/kg.

Tại ấp An Hưng, việc thu mua bắp chuối những ngày này diễn ra tấp nập. Theo ông Võ Bình An, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Hưng, xã An Minh Bắc, hiện toàn ấp An Hưng có 265 ha chuối xiêm, trong đó có 200 ha chuối đang cho quày, số còn lại cây còn nhỏ. Bình quân 2 bờ chuối xiêm khoảng hơn 2 ha, mỗi tháng bà con thu hoạch 1.000 kg bắp chuối. Với hai bờ chuối xiêm, bà con thu hoạch bắp chuối, chuối nải bán cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, cuộc sống khá ổn định.

Ông Võ Hồng Danh, ngụ ấp An Hưng, xã An Minh Bắc cho biết, khoảng nửa tháng nay, có thương lái vô thu mua lại bắp chuối, bà con nông dân mừng lắm. Nhà ông Danh mới thu hoạch bắp chuối bán giá 2.500 đồng/kg, giá có sụt giảm nhưng nông dân vẫn vui vì đã có đầu ra.

Chú thích ảnh
Người trồng chuối xiêm vui mừng khi có thương lái đến tận vườn thu mua.

Trong khi người trồng chuối vui mừng bấy nhiêu thì người dân trồng gừng củ lo lắng càng nhiều. Hiện nay toàn huyện U Minh Thượng, nông dân trồng gần 2.000 ha gừng, trong đó có khoảng 100 ha gừng đang bị bệnh thối củ, cháy lá tập trung ở hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Theo ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, trong 100 ha gừng bị bệnh, mức độ thiệt hại chiếm khoảng 20-30%.

Với diện tích gừng bị bệnh này, nông dân buộc phải nhổ bỏ cây gừng để tránh lây bệnh cho những cây gừng còn lại. Đối với gừng nhổ bỏ, nông dân thu hoạch gừng non, bán với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, thấp so với cùng kỳ năm trước khoảng 7.000 đồng/kg. Với giá gừng bán thấp như hiện nay, bà con lỗ tầm 10 - 15 triệu đồng/1.000 m2.

Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các xã nắm diện tích cây gừng bị bệnh, mức độ thiệt hại. Phòng cũng khuyến cáo nông dân nhổ bỏ những cây gừng bị bệnh và tiêu hủy xác cây gừng bệnh, nhằm tránh lây lan mầm bệnh; đồng thời bà con hạn chế bón phân cho gừng, cũng như tập trung chăm sóc diện tích gừng còn lại để thu hoạch đúng vụ vào khoảng cuối năm, phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.

Bình quân mỗi vụ gừng khoảng 8 - 9 tháng kéo dài từ trồng đến lúc thu hoạch, nông dân đầu tư cho chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng/1.000 m2. Với giá gừng khoảng 10.000 đồng/kg, thì nông dân mới có lãi.

Tin, ảnh: Lê Sen (TTXVN)
Chuối Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản
Chuối Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/6, Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản đã kết thúc với việc mặt hàng chuối của Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường đầy khắt khe này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN