Thương hiệu Việt hội nhập - Bài 2: Ưu tiên phát triển doanh nghiệp

Để trở thành nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, các thương hiệu Việt vừa phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, vừa phải đảm bảo thương hiệu bền vững.

Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cấp thương hiệu, mô hình quản trị... phù hợp và kết nối nối được vào chuỗi của doanh nghiệp FDI, nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp cải thiệu nội lực vươn ra thị trường toàn cầu.

Chú thích ảnh
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP1), thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh tư liệu: Chí Tưởng/TTXVN

Kết nối chuỗi thương mại tự do

Hiện nay, trong chuỗi giá trị toàn cầu thì mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng quy định, tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định Thương mại tực do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, nhất là nền kinh tế hội nhập như Việt Nam.

Nếu nền kinh tế Việt Nam chậm “xanh hóa” ngành hàng, doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại... sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Không chỉ thập kỷ này mà dự báo nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”, nên những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này cần sớm được phổ biến đến địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cũng đồng thời tạo độ mở lớn, mang đến cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nước, chứ không chỉ đối với các địa phương, doanh nghiệp... Làm sao phát huy và tận dụng hiệu quả lợi thế mang lại từ hội nhập và 18 FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang bước vào giai đoạn có hiệu lực; nắm bắt và tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam... là những vấn đề cần giải quyết cấp bách hiện nay. 

Hiện nay, xu thế xanh hóa các nền kinh tế trên thế giới là xu thế tất yếu đòi hỏi hầu hết quốc gia đều phải tham gia, riêng quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn từ hàng loạt FTA có hiệu lực và đi vào giai đoạn thực thi. Các chuyên gia chỉ ra rằng, điều Việt Nam cần làm ngay là tìm giải pháp để tiếp cận mọi nguồn lực và lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả. 

Trong đó, những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn mới có thể có đa dạng giải pháp giải bài toán kinh tế xanh. Ngoài ra, đảm bảo môi trường kinh tế và xã hội xanh còn tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Nhằm kịp thời tạo nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2022, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy quan trọng. Do đó, Chính phủ nên sớm có những chính sách đột phá, ưu tiên khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang rất cần những giá trị xanh để tái phục hồi kinh tế-xã hội sau tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Nhiều quốc gia cũng đã và đang ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn và trước những bất định, khó lường của bối cảnh kinh tế thế giới. 

Đối với Việt Nam, một số nguồn lực trong nước còn hạn chế, nên khả năng đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dù đang nỗ lực nhưng vẫn còn thấp. Vì vậy, sự hỗ trợ của đa dạng đối tác quốc tế và sự tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong xu thế chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng, giúp địa phương và Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, bắt nhịp với thế giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Riêng khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 hiện nay sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam và hòa vào làn sóng xanh của thế giới. Công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp cho nền kinh tế, địa phương và doanh nghiệp tối ưu hóa được hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động và quản trị hệ thống, từ đó tiết giảm đáng kể sự lãng phí các nguồn lực, cũng như tác động xấu tới môi trường tự nhiên.

Đây cũng là thời điểm Việt Nam hội tụ những yếu tố cần thiết và cấp thiết để Việt Nam, cũng như các địa phương và doanh nghiệp trên cả nước bứt phá trong tư duy, mạnh mẽ trong hành động, thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới đạt được giá trị bền vững. Dựa trên chính nhu cầu, lợi ích của nền kinh tế, của địa phương và doanh nghiệp để xây dựng chiến lược đầu tư chuyển đổi xanh.

Cải thiện nội lực doanh nghiệp

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Bên cạnh đó, có thể kể đến những mục tiêu quan trọng khác như tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thi bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%...

Những năm gần đây, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch COVID-19, biến động thị trường xuất khẩu... Bối cảnh mới của toàn cầu cũng đặt ra không ít yêu cầu cấp thiết mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cần quan tâm giải quyết, nếu không những hệ lụy tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình và chất lượng phục hồi, tăng trưởng và phát triển. 

Tuy vậy, chính bối cảnh này cũng là động lực to lớn cho Việt Nam quyết tâm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhận thức sang hành động và hành động không ngừng cho những mục tiêu đã đề ra. 

Điển hình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thời gian qua đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua đa dạng hoạt động, góp phần tăng cường giải pháp cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. 

Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia điển hình thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới có tính cách mạng và đột phá về kinh tế xanh. Gói kích thích Korean New Deal 2.0 được ban hành vào tháng 7/2021, Hàn Quốc đã xác định 3 trụ cột chính gồm Kế hoạch số hóa mới (Digital New Deal), Kế hoạch xanh mới (Green New Deal) và Kế hoạch con người mới (Human New Deal). Gói kích thích mới có quy mô này dự kiến là 186 tỷ USD và hy vọng tạo ra 2,5 triệu việc làm.

"Tại Việt Nam, trong nhóm vấn đề tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh... cần thực hiện theo hướng xanh, bền vững. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh... phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia", Tiến sĩ Tạ Đình Thi chia sẻ thêm. 

Thống kê cho thấy, tất cả bộ, ngành và địa phương tại Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045-2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để bộ ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, đảm bảo những yếu tố phù hợp với đa dạng mô hình và xu hướng sản xuất kinh doanh mới đã hình thành trong và sau dịch COVID-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất nhất.

Với sự kết hợp thay đổi của cả địa phương, doanh nghiệp, người dân, có thể cho phép Việt Nam kỳ vọng tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, tìm kiếm và tạo lập những hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới trong ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, nhất là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh.

Bài 3: Hàng Việt chất lượng ngoại

Mỹ Phương (TTXVN)
Thương hiệu Việt hội nhập - Bài 1: Hướng đến tăng trưởng xanh
Thương hiệu Việt hội nhập - Bài 1: Hướng đến tăng trưởng xanh

Sau hơn 2 năm dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, những biến động địa chính trị, kinh tế... của một số quốc gia đã tạo ra không ít thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN