Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Phát triển cộng đồng doanh nghiệp dẫn đầu

Từ trăn trở, mong muốn có những thương hiệu TP Hồ Chí Minh lớn mạnh, trở thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu được biết đến trên thị trường quốc tế được khai sinh từ trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, UBND TP Hồ Chí Minh phát động lần đầu tiên từ năm 2020 đã khởi động giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có được những thương hiệu uy tín, tiêu biểu từ đa dạng lĩnh vực, ngành nghề đại diện cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Siêu thị Saigon Co.op trên đường Quang Trung, phường 11, Quận Gò Vấp cung ứng hàng hóa dồi dào. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Bài 1: Phát triển cộng đồng doanh nghiệp dẫn đầu

Qua 3 năm triển khai, hầu hết Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh đều là những thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Những thương hiệu này, cũng định vị được vị thế vững chắc trên thương trường, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh và cả nước, nên được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu dẫn dắt nền cộng đồng doanh nghiệp địa phương cùng phát triển bền vững.

Thương hiệu thành biểu tượng

Năm 2020, lần đầu tiên, UBND TP Hồ Chí Minh trao giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh cho 30 thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh trao giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh cho 45 thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và trong đó có 25 thương hiệu đã đạt giải thưởng từ năm 2020 vẫn tiếp tục được chính quyền thành phố công nhận theo đúng quy chế bình chọn. 

Tuy với hành trình chưa lâu dài, nhưng giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh đã cho thấy được giá trị và phát huy vai trò "bảo chứng" cho thương hiệu nên ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc đa dạng lĩnh vực, ngành nghề tham gia qua từng năm.

Có thể kể đến những thương hiệu, gồm: Liên hiệp Hợp tác xã Thương Mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP Tập đoàn Kido, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV Saigontourist...

Cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh luôn đảm bảo tuân thủ và đạt những nhóm tiêu chí, gồm: tính minh bạch và tuân thủ pháp luật; hiệu quả hoạt động; đạo đức kinh doanh; hoạt động xã hội; nhân sự và chính sách nhân sự; nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo; chất lượng và an toàn... Doanh nghiệp nhận được giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh còn gắn liền sự nhận diện thương hiệu với thành phố, không chỉ được người tiêu dùng nội địa tin dùng mà còn thành công chinh phục thị trường xuất khẩu.

Điển hình, Saigon Co.op là đơn vị hai lần nhận được giải thưởng, là doanh nghiệp có gần 1.000 điểm bán trên toàn quốc, đồng thời cũng là nhà bán lẻ có nhiều mô hình kinh doanh nhất cả nước với đa dạng hoạt động kinh doanh và liên kết hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp này, còn không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiện đa kênh bán lẻ, từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; từ kinh doanh tại điểm bán đến kinh doanh trực tuyến.

Tương tự, Tập đoàn Kết cấu Thép Đại Dũng, nhận được giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh 2022 là minh chứng cho thành quả của sự nỗ lực và cống hiến chất lượng từ tập thể đội ngũ trong suốt năm qua.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, cũng như biến động thị trường bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tập đoàn Kết cấu Thép Đại Dũng vẫn không ngừng "biến nguy thành cơ" như những Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh được vinh danh trong năm 2022.

Đánh giá về cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh, Hội đồng bình chọn giải thưởng chia sẻ, đây là những thương hiệu không chỉ tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng nội địa, mà đã có được uy tín nhất định trên thị trường quốc tế. Để đạt được Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh, tất cả thương hiệu đều phải trải qua hàng loạt tiêu chí bình xét khắt khe, có nhiều đóng góp tích cực vào chiến lược xây dựng thương hiệu của TP Hồ Chí Minh nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung.  

Theo ông Trần Hoàng, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng bình chọn giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh, nếu một thương hiệu muốn trở thành biểu tượng thì phải cân bằng được đạo đức trong kinh doanh, mối quan hệ khách hàng và đối tác, môi trường và cộng đồng. Thương hiệu trở thành biểu tượng chỉ khi định hình rõ văn hóa doanh nghiệp, phấn đấu dẫn đầu, đóng góp vào sự phát triển ngành, cũng như hội nhập tốt.

Nhiều kết quả khảo sát nghiên cứu thị trường đã công bố cũng cho thấy, thương hiệu thành công không phải tìm kiếm sự hoàn hảo mà đó là hành trình phát triển tốt nhất có thể và bản sắc thương hiệu được doanh nghiệp chú trọng kiến tạo trong đó. Hay, nói một cách khác, ngoài chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu không thể thiếu những yếu tố như mẫu mã, bao bì, logo; phương thức tiếp cận khách hàng, thông điệp, trải nghiệm...

Còn một số chuyên gia phân tích, thương hiệu và xây dựng thương hiệu luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, muốn đạt được mục tiêu thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, thương mại mang tính biểu tượng cho một ngành hàng... thì không chỉ cộng đồng doanh nghiệp có thể làm được mà đòi hỏi sự chung tay góp sức của tổ chức, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước.

Thương trường là mảnh đất màu mỡ và rộng cửa cho tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng xu hướng thị trường ngày càng thay đổi nhanh chóng và thói quen ngừoi tiêu dùng cũng liên tục biến đổi là những khó khăn không nhỏ. Do đó, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với thách thức giữ gìn và phát triển thương hiệu vững mạnh, mà cần đáp ứng yêu cầu về chiến lược biến thương hiệu thành biểu tượng. 

Định hướng thương hiệu trường tồn

Chú thích ảnh
Công đoạn kiếm tra chất lượng sản phẩm trang sức của Công ty Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ). Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Thương hiệu và xây dựng thương hiệu đang là một trong những vấn đề được rất nhiều nhà sản xuất, kinh doanh quan tâm. Dù vậy, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia hay thương hiệu mang tính biểu tượng cho một ngành hàng, thì cần có sự hành động song song của cả doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý. Trong bối cảnh thói quen và thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau, đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải quan tâm và chú trọng đầu tư cho thương hiệu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, thương hiệu cần có mục tiêu và sức mệnh, nên doanh nghiệp không nên chỉ xây dựng thương hiệu vì lợi nhuận mà phải hướng đến lợi ít cộng đồng. Đây là vấn đề khó nhưng xây dựng thương hiệu "trường tồn" là yêu cầu không thể thiếu đối với những doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. 

Với sứ mệnh cụ thể thì thương hiệu nhỏ và vừa, hay mới khởi nghiệp có thể chinh phục thị trường và dành thiện cảm từ người tiêu dùng. Đối với thương hiệu đã phát triển bền vững thì thông qua sức mệnh thương hiệu của doanh nghiệp để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. 

Thương hiệu Việt phát triển mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu sẽ thúc đẩy nâng cấp hình ảnh Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, xây dựng một thương hiệu thì yếu tố chứng thực cũng là một trong những nhân tố có sức ảnh hưởng hàng đầu trên thị trường và chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Thái Đàm Huy Trung, Giảng viên cao cấp, Viện ISB, trường Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh cho biết, chứng thực gắn bó mật thiết với bất kỳ thông điệp của thương hiệu, sản phẩm... mà người tiêu dùng có niềm tin, tương tác, ý kiến... Đồng thời, chứng thực thương hiệu phổ biến được thực hiện qua các chuyên gia, người nổi tiếng, người tiêu dùng... và trên cơ sở này thương hiệu của doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường.

Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, nếu xây dựng thương hiệu chỉ là bán sản phẩm thì chưa đủ, vì thương hiệu phải thể hiện tính cá biệt và gắn với thông điệp cụ thể. Doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu trường tồn và phát triển bền vững thì phải được khách hàng tin dùng thông qua kết nối thương hiệu với những thông điệp của sản phẩm tung ra thị trường.

Thương hiệu tốt là thương hiệu chinh phục người tiêu dùng và sự gắn bó trung thành, đồng thời họ không chỉ mua sản phẩm mà còn ngày quan tâm với lý do doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đó. Điều này chỉ đến khi doanh nghiệp không chỉ có sản phẩm tốt mà là sự yêu thích thương hiệu đến từ những đóng góp cho cộng đồng, xã hội và nền kinh tế quốc gia. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ, thương hiệu trường tồn là một trong những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp, đòi hỏi không ngừng nắm bắt xu hướng mới trên thị trường và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Cụ thể, doanh nghiệp không thể đứng yên mà phải "tiến hóa" để đáp ứng và tăng cường kết nối với người tiêu dùng nhiều thế hệ.

Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp khác tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, xây dựng giá trị thương hiệu phải là thật tâm; trong đó, yếu tố lý tính hay cảm tính đều quan trọng trong quá trình này. Doanh nghiệp không được chủ quan trong xây dựng thương hiệu, nhất là doanh nghiệp nên có bộ phận chiến lược, tư vấn để thương hiệu có thể ứng biến với nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng mới.

Bài cuối: Xây dựng ngôi nhà lĩnh vực

Mỹ Phương (TTXVN)
Các thương hiệu ngân hàng Việt tăng trưởng giá trị thương hiệu vượt mức 2 tỷ USD
Các thương hiệu ngân hàng Việt tăng trưởng giá trị thương hiệu vượt mức 2 tỷ USD

Các thương hiệu ngân hàng Việt Nam đạt mức tăng trưởng tổng thể về giá trị thương hiệu lên tới 31,3% (hơn 2 tỷ USD) so với năm 2022 – theo báo cáo xếp hạng 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu mạnh nhất thế giới năm 2023 của Brand Finance.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN