Thuế khí thải - công cụ hữu hiệu làm chậm lại tình trạng trái đất ấm lên

Ngày 19/9, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva cho rằng cuộc chiến chống tình trạng nóng lên toàn cầu đòi hỏi các chính phủ phải kiên quyết trong việc đánh thuế hoặc ấn định mức giá đối với hoạt động thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Chú thích ảnh
Khói mù do cháy rừng bao phủ bầu trời thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Canada, bà Georgieva cho biết các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng đánh thuế khí thải carbon là cách tốt nhất để báo hiệu cho các nền kinh tế rằng đã đến lúc phải thay đổi hành động.

Bà Georgieva nhấn mạnh: "Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể làm điều gì đó để chống biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta cũng là thế hệ đầu tiên phải chung sống với những hậu quả của tình trạng này."

Theo Viện Kinh tế khí hậu, tính từ ngày 1/4 vừa qua đã có 46 quốc gia và 26 chính quyền địa phương thiết lập chính sách về giá carbon, đánh thuế đối với hoạt động thải khí carbon hoặc áp đặt hạn ngạch carbon đối với các nước gây ô nhiễm nhiều nhất.

Những chính sách này đã mang lại nguồn thu 30 tỷ USD cho các chính phủ, với mức giá mỗi tấn carbon thải ra từ 1-133 USD. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khoản tiền này không đủ để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng G7 về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch diễn ra từ ngày 19-21/9 tại thành phố Halifax, tỉnh Nova Scotia của Canada.

Một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị là những quy định nhằm hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong khuôn khổ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị lần này.

 

Thùy An (TTXVN)
Các quốc đảo kêu gọi Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
Các quốc đảo kêu gọi Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, ngày 6/9, Australia, New Zealand và các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay là “mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất” đối với người dân ở khu vực Thái Bình Dương và kêu gọi Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN