Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Đây là sự kiện kinh tế quan trọng được tổ chức qua 4 lần tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diễn đàn đã khẳng định được uy tín, tạo sức hút lớn với các lãnh đạo bộ ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và địa phương.
Ông Phạm Tấn Công tin tưởng, thông qua chương trình các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương sẽ tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp logicstics sớm thành công và hiện thực hóa Nghị quyết số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 với định hướng đến năm 2030 xác định logicsitcs là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong chuyển đổi số.
Tại diễn đàn này, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam cùng với các quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp đã có phát biểu, tham luận và đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như thành phố Hải Phòng.
Đồng thời, nhận diện những điểm nghẽn trong chuyển đổi số logistics đề xuất giải pháp; nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của ngành logistics Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới.
Diễn đàn Logistics vùng lần này cũng đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi chuyển đổi số ngành logistics tạo động lực tăng trưởng mới; đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng.
Sự tham gia trao đổi và phản hồi của đại diện các ban, bộ, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin và quyết định các định hướng phát triển phù hợp… nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ, cắt giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ chia sẻ, xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Hải Phòng có khoảng 1.000 doanh nghiệp logistics, chuyển đổi số logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo quy hoạch, mạng lưới logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 - 2.500 ha...
Nhìn từ thực tế trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có nội dung: "Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.
Đặc biệt, Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương xây dựng được xem là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành đã nêu rõ quan điểm “Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế nhằm tạo đột phá cho phát triển dịch vụ logistics, kết nối sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với riêng vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.