Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trao đổi thông tin tổng quan tình hình chuyển đổi số quốc gia và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; chuỗi cung ứng và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam dự báo đạt 0,75; chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Về Chính phủ số, đến hết năm 2023, 81% thủ tục hành chính đã triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 38,3% hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm gần 37 triệu giờ làm việc, tương đương 1.274 tỷ đồng. Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 20%.
Về xã hội số, Bộ Công an đã cấp cho người dân 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử; giao dịch thanh toán trực tuyến tăng 66% về lượng và 4% về giá trị giao dịch trên môi trường mạng, tăng 63% về lượng và 8,8% về giá trị giao dịch qua điện thoại di động, tăng 124% về lượng và 16% về giá trị giao dịch qua mã QR.
Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số tại các chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, kế hoạch chuyển đổi số tại từng địa phương, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia khuyến nghị, tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng các giải pháp và chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm miễn, giảm phí, lệ phí và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; xây dựng kho dữ liệu cá nhân và triển khai biểu mẫu điện tử tương tác để giảm việc yêu cầu người sử dụng tải mẫu đơn về điền thông tin; thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần nghiên cứu triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa; xây dựng mạng luồng quan trắc chất lượng môi trường phục vụ chỉ đạo, điều hành; có giải pháp đạt 85% trở lên người dân sử dụng điện thoại thông minh; đảm bảo 100% hộ gia đình kết nối Internet băng rộng cáp quang; triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng' áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin theo chuẩn kỹ thuật; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng Ban vận động NET TO ZERO 2050 ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng, các mô hình kinh tế áp dụng trong phát triển bền vững hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mang tính bao trùm, liên kết ngành. Để phát triển kinh tế xanh, bền vững, có các công nghệ hỗ trợ như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…
Trong đó, các yếu tố công nghệ Internet vạn vật đóng vai trò quyết định trong các hoạt động của tổ chức hướng đến phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tiếp cận kiến thức cơ bản về kiểm kê, lập báo cáo phát thải khí nhà kính và đưa ra lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn hỗ trợ cho phát triển bền vững.