Thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số mang lại lợi ích kinh tế

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam".

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, hoạt động thực tiễn, chia sẻ, trao đổi thông tin xoay quanh 2 chủ đề chính gồm: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số hiện nay; Chuyển đổi số trong hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số. Đặc biệt, Hội thảo tập trung cung cấp các thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Hội xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động "Ngày hội phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số" nhân kỷ niệm 134 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Hội thảo cũng được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc phụ nữ chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động, chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại. 

"Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội" – bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh khoảng cách giới về lực lượng lao động trong ngành công nghệ và công nghệ số, còn có không ít các vấn đề kinh tế - xã hội khác đang đặt ra đối với phụ nữ trong tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng từ công nghệ số: Một bộ phận lao động nữ chưa được đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hiện đại; phụ nữ nông thôn, cao tuổi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó và chậm tiếp cận công nghệ thông tin; quan hệ gia đình lỏng lẻo, thiếu tương tác giữa các thế hệ do khoảng cách số về thế hệ; vấn đề an toàn thông tin, nguy cơ tiếp cận các thông tin sai lệch, độc hại; nguy cơ mất an ninh, an toàn về bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư bị xâm phạm; phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại trên không gian mạng.

Xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời hỗ trợ hội viên, phụ nữ hiệu quả tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. 

Chiến lược phát triển tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Các chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội tham gia cũng như các Đề án của Chính phủ giao Hội chủ trì thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chia sẻ, Thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội cụ thể hóa tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu là các kết quả đạt được thông qua việc tạo ra các sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo. Để khai thác tối đa ưu thế của internet và các mạng xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cùng các cấp Hội đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, học hỏi các cách làm mới, công nghệ mới để đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng công tác Hội, tạo sự thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng. 

Các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về chuyển đổi số, thực trạng công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay; vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quá trình chuyển đổi số; những vấn đề đặt ra, các giải pháp, kiến nghị được đề xuất trong thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai công tác Hội và hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số.

Đỗ Bình (TTXVN)
Lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ
Lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” năm 2024 và triển lãm trưng bày sản phẩm cuộc thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN