Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Sự kiện thu hút sự quan tâm của đại diện các ban, ngành chức năng, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, vấn đề nâng cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng và luôn là nội dung trọng tâm trong rất nhiều hội nghị, diễn đàn kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới - những sự kiện vốn quy tụ đông đảo các nguyên thủ quốc gia, các CEO và cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính cũng rất được đề cao trong nhiều chương trình, nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Việc thúc đẩy tính liêm chính và sự minh bạch trong kinh doanh sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín, thương hiệu, vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.
Chính vì thế, tất cả các hiệp hội doanh nghiệp hay từng cá nhân mỗi doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm thực hành liêm chính trong mọi hoạt động kinh doanh, thông qua việc sử dụng bộ công cụ phòng chống tham nhũng - một sản phẩm nằm trong sáng kiến thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh – hành động tập thể, với tên gọi là Đề án 12, ông Vinh nhấn mạnh.
Việc triển khai sáng kiến thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh và hành động tập thể chính là một trong nhiều giải pháp hữu ích giúp khơi gợi tính liêm chính ở doanh nghiêp; đồng thời dần giúp thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống tham nhũng.
Đánh giá thực trạng liêm chính kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành, Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội cho biết, hành động tập thể là một giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và đã được kiểm nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới"; trong đó có Việt Nam.
Để thực hành liêm chính trong kinh doanh, hành động tập thể cần hướng tới 3 mục tiêu đó là trong nội bộ doanh nghiệp phải đánh giá được rủi ro xảy ra nếu có tham nhũng; phải thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng các các chương trình tuân thủ khác; đồng thời, cần cung cấp hướng dẫn cho các nhà quản lý những cách thức và giải pháp tiến hành.
Song song với đó, bên ngoài cần chia sẻ chính sách nội bộ, những kinh nghiệm và thực tiễn tốt cùng các câu chuyện thành công liên quan tới phòng chống tham nhũng ra sao. Cuối cùng, tập thể cần tiếp cận các doanh nghiệp cùng ngành, các nhà cung cấp và các bên liên quan thông qua trung gian; đồng thời, phát kiến các hành động tập thể để phòng chống tham nhũng.