Tại buổi Tọa đàm trực tuyến do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 23/3 với chủ đề: "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Hiệu quả và giải pháp", các chuyên gia nhận định: Mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể về môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên ở một số cơ quan, cơ sở và địa phương, tình hình chuyển biến còn khá chậm, hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn bị cản trở, gây khó khăn, thậm chí bị sách nhiễu.
Các doanh nghiệp trông đợi môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi hơn nữa. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Để xảy ra tình trạng như vậy, ngoài những nguyên nhân khách quan như trình độ năng lực của cán bộ còn yếu kém, tư duy bảo thủ, trì trệ trong lề lối làm việc thì nguyên nhân chính được chỉ tên là: Lợi ích cá nhân, sự thờ ơ, vô trách nhiệm cũng như sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cấp, các ngành.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá: "Qua thực tế ở Hà Nội, tôi thấy có sự chuyển động chưa đồng đều. Ở những sở, ngành trực tiếp xử lý đầu vào cho DN thì khả năng bị 'kêu' nhiều hơn do mức độ xử lý khó khăn hơn. Còn đối với một số nơi dù chỉ chuyển động ít, thậm chí là không chuyển động gì nhưng vì không liên quan trực tiếp đến các vấn đề của DN thì không bị ảnh hưởng gì".
Theo ông Phong, chuyển biến có đồng đều hay không phụ thuộc vào quy chuẩn và quy trình được đưa ra. Ví dụ, có địa phương đưa ra một số quy định rất tốt và được ban hành thực hiện từ trên xuống dưới như: Với một vấn đề nếu quá 3 ngày không có phản hồi thông tin thì coi như đồng ý; đi họp thay thì ý kiến phát biểu chính là là ý kiến của Giám đốc Sở...
Ngành Thuế đã có sự cải thiện rất tốt. Thậm chí, nhiều DN còn cho rằng cải tiến như thế là được rồi. Tuy vậy, ở một số lĩnh vực khác như đất đai thì còn hạn chế. Do đó, khi chấm điểm chỉ số, cần xem xét đối với từng lĩnh vực và mức độ khó khăn riêng để đánh giá mức độ chuyển động.
"Tôi cho rằng có 5 vấn đề ảnh hưởng đến xu hướng, tốc độ và kết quả thực tế của những chuyển động về cải cách. Thứ nhất là lộ trình hội nhập. Thứ hai là vai trò của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu nghiêm túc và trực tiếp chỉ đạo thì có sự đẩy nhanh trong việc thực hiện. Thứ ba là chuẩn hóa quy trình. Thứ tư là dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu thông tin. Thứ năm là chế tài phải nghiêm minh", ông Phong nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các rào cản đối với DN vừa và nhỏ vẫn còn như: Một số DN không hiểu rõ về việc đăng ký kinh doanh điện tử, nên có DN làm, DN không làm. Do vậy, cơ quan quản lý cần đưa ra chế tài bắt buộc đăng ký kinh doanh điện tử. Bên cạnh đó, cơ chế một cửa không được quy định cụ thể. Ví dụ như trong cuộc họp, các lãnh đạo Sở ngành không họp cùng DN mà để thư ký đi, sau đó thư ký gửi lại biên bản họp cho lãnh đạo tỉnh xem xét. Chính việc lòng vòng này khiến DN phải đợi, mất nhiều thời gian.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ, nhiều địa phương tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng đối thoại vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo ông Hiếu, nên giao cho một cơ quan độc lập tổ chức buổi đối thoại. Cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu, tập hợp kiến nghị của DN và cập nhật các giải pháp của chính quyền. Mọi DN có kiến nghị đều được giải quyết như nhau.
Ông Hiếu đề nghị các Hiệp hội cần có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 35, phải giám sát, phản biện, đưa thông tin kịp thời tới cơ quan nhà nước, buộc cơ quan nhà nước phải đối thoại và đưa ra giải pháp cho DN.