Với tư tưởng cải cách sâu rộng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Trong suốt hơn 1 năm triển khai vừa qua, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng liên tục và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao cho thấy doanh nghiệp tiếp tục nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông vẫn khẳng định, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tế.
*
Giải phóng quyền tự do kinh doanh Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong vòng 1 năm từ khi thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (1/7/2015 - 1/7/2016), cả nước đã có hơn 105.975 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn 767.900 tỷ đồng, bình quân là 7,25 tỷ đồng/doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,8%, vốn đăng ký mới cũng tăng trên 42% và bình quân vốn tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, trong giai đoạn này cũng đã có 23.950 lượt doanh nghiệp tăng vốn điều lệ với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 690.000 tỷ đồng.
Sản xuất phân bón vi sinh tại Công ty Quang Dũng, Cụm công nghiệp Bắc Từ
Liêm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, số doanh nghiệp đăng ký và thành lập mới tăng đột biến cho thấy những điểm mới của hai luật trên đã có tác động bước đầu cùng những quy định mang tính cải cách mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã “giải phóng quyền tự do kinh doanh”.
Sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Nếu trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày thì Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhanh nhất 1 ngày; Tiền Giang 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, tác động của hai luật này bước đầu chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ” đối với doanh nghiệp; kích thích, tạo điều kiện cho việc khởi nghiệp.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tác động của hai đạo luật về kinh doanh và đầu tư đã và đang thúc đẩy đổi mới thái độ, tư duy của bộ máy chính quyền các cấp; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin về thành lập, hoạt động doanh nghiệp.
Đặc biệt, tư duy phục vụ doanh nghiệp đang được thể hiện khá rõ trong quy trình đăng ký doanh nghiệp. Kết quả là, cho dù Luật Doanh nghiệp ít có quy định về quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhưng sự phối hợp chặt chẽ qua các cơ chế liên thông về thông tin của doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo được cơ chế giám sát chéo thực sự hiệu quả. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua đánh dấu sự quyết tâm cải cách pháp luật và thể hiện ý chí của cộng đồng kinh doanh.
* Hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn là các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn chưa được hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này. Điều này đang gây nên sự chậm trễ, ách tắc và khiến các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lo ngại.
Hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và cung cấp dịch vụ kho vận lưu trữ hàng hóa, ông Vũ Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá Việt Nam cho biết, công ty được nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư nhưng các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài còn phức tạp, mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi pháp luật về đầu tư kinh doanh, do đó kết quả triển khai thực hiện ở mức thấp so với yêu cầu.
“Cần đổi mới tư duy, có quyết tâm hành động đúng, từ đó mới tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, trước sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật, chỉ có một số cơ quan cấp phép ở địa phương thực hiện đúng tinh thần văn bản ra đời sau phủ định hiệu lực của văn bản trước, còn lại phần lớn các cơ quan cấp phép đều lưỡng lự, gây nên sự chậm trễ, ách tắc và khiến các nhà đầu tư lo ngại.
“Ví dụ, Luật Tài nguyên Môi trường yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng theo Luật Đầu tư, trong điều kiện không yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường mà trình tự, thủ tục đủ yêu cầu thì có thể cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Những vướng mắc này khiến cho nhiều trường hợp thực tế không thể thực hiện được”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng đề xuất cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư. Trên thực tế, một số hoạt động kinh doanh như chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng… hoạt động dưới các hình thức doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định riêng và tại cơ quan khác, dẫn đến các vấn đề như: thông tin doanh nghiệp bị phân tán, hệ thống quản lý riêng, một số cải cách của Luật Doanh nghiệp không áp dụng được (chẳng hạn như cải cách về con dấu)...
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao chưa nói lên chất lượng hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường. Môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên cạnh tranh như một xu thế tất yếu.
Các cơ hội kinh doanh liên tục xuất hiện nhưng cũng sẽ thay đổi, chuyển biến không ngừng, tạo nên những thách thức, yêu cầu cao về khả năng thích ứng, linh hoạt, năng lực đổi mới, cải tiến nội tại của mỗi doanh nghiệp. “Đây cũng là đòi hỏi mà Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phải ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.