Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quá trình đô thị hóa là quá trình thúc đẩy, cơ cấu cho phát triển. Thách thức thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa đặt ra nhiều nội dung và đậm nét hơn so với trước đây. Nghiên cứu của WB về thúc đẩy nhanh vai trò đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển tại thời điểm này là rất hữu ích.
Ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của WB cho biết, trong quá trình nghiên cứu đô thị hóa, nhóm đặt ra 2 câu hỏi rộng, nhưng rất quan trọng. Đó là quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện nay có phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi nông thôn - thành thị hay không? Hay như mô hình và tốc độ đô thị hóa có tác động thế nào đối với tăng trưởng, công bằng và bền vững cũng như làm thế nào để cải thiện quá trình đô thị hóa và quản lý đô thị hóa?
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chính sách công và quản lý Đại học Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, thực tế các đô thị Hà Nội bắt nguồn từ nông thôn, tích tụ ruộng đất còn ít và họ buộc phải di chuyển ra thành phố. Di chuyển có tính tự nhiên, nhưng đặt ra vấn đề rất lớn là không có nguồn lực thay đổi. Chẳng hạn như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng và người dân di chuyển ồ ạt lên TP Hồ Chí Minh.
"Yếu kém về cơ sở hạ tầng khiến nông thôn kém phát triển so với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Đối với vấn đề đất đai, quy hoạch chặt thì rất chặt, nhưng lỏng lại rất lỏng... Trong khi đó, các Bộ, ngành thường muốn đưa quy hoạch có lợi cho công tác quản lý và dù Luật Quy hoạch đã tích hợp được những vấn đề tồn tại, nhưng hiện thực hóa được hay không thì chưa thể biết được...", TS Vũ Thành Tự Anh nói.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, nội hàm đô thị hóa ở Việt Nam rất khác so với Thái Lan, Hàn Quốc nên kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp Việt Nam thay đổi đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam có quy hoạch, nhưng thực thi rất kém, dẫn đến hiện tượng quá tải đô thị diễn ra trong thời gian qua. Quản lý đô thị ở Việt Nam còn yếu và dường như còn thiếu kỹ năng về quản lý đô thị, giao thông.
Theo ông Zhiyu Jerry Chen, trong tương lai, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hóa và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn. Do vậy, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào "nền kinh tế tích tụ" và "liên kết vùng", qua đó giải quyết ba nhân tố thể chế quan trọng cho chuyển đổi gồm: phân bổ tài khóa và nguồn lực, đất đai và quy hoạch và dịch chuyển lao động.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đến nay chúng ta vẫn xem nhẹ quá trình đô thị hóa, ít có những chương trình, định hướng cho quá trình đô thị hóa. Vì thế, quá trình đô thị hóa như nhận định của các chuyên gia là phát triển mang tính chất tự phát, không gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Như vậy, chúng ta thiếu sự gắn kết hài hòa giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa chưa tuân thủ các quy hoạch nên làm mất cân đối giữa phát triển hạ tầng kết nối trong đô thị nói riêng và kết nối đô thị với vùng lân cận nói chung.
"Do đó, không phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy phát triển. Nếu tình trạng này tiếp tục có thể dẫn đến việc đô thị hóa trở thành gánh nặng của sự phát triển, thay vì là động lực thúc đẩy sự phát triển", TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.